Trang chủ PHƯƠNG PHÁP DẠY CON ĐỨC KIÊN TRÌ TRONG SỰ THẤU HIỂU

ĐỨC KIÊN TRÌ TRONG SỰ THẤU HIỂU

301
0

Hồi trước, tôi thường buồn và thậm chí có lúc trách người dân mình sao mà nhiều thói hư tật xấu, sao mà cam chịu và cứ để cho cường quyền đè đầu bóc lột mãi.

Tôi cũng trách mình, trách mọi người vì cứ làm gì, đụng đâu cũng vướng vấp sai lầm mãi, việc thay đổi tiến triển quá chậm chạp, rất khó nhìn thấy và thường gây thất vọng. Đôi khi, bị người này người kia hiểu sai những gì mình viết, mình làm, tôi cũng bực bội nổi khùng và trách người ta. Những lần bị chụp cho những cái mũ trời ơi đất hỡi khác tôi cũng có phẫn nộ. Rồi bị chính những người mà mình đã từng giúp quay lưng lại với mình thì tôi cũng đau và nặng lòng… Những điều trên hoàn toàn thuộc về cảm xúc bình thường của một con người bình thường.

Nhưng, tôi là đứa hay nghĩ và chịu khó học. Học miết, nghĩ miết, cộng với những gì mẹ dạy hồi xưa, đến một lúc tôi nhận ra rõ ràng rằng mình bậy.

Mẹ tôi về sống bên chồng, chưa được bao lâu thì chồng chết bỏ lại mẹ và bầy con nhỏ. Họ hàng xa, những người ngày xưa chiếm hàng trăm ha đất đai của ông nội, sau 30/4, họ sợ và trả lại nhưng ba không nhận mà để họ canh tác và sinh sống, khi thấy ba mất họ quay ra ăn hiếp mẹ để đuổi mấy mẹ con khỏi mảnh đất hương hỏa có 500m vuông. Những ngày tủi nhục vô cùng tận. Mẹ bị chửi rủa ra rả ngày qua ngày với những từ ngữ cực kỳ xúc phạm.

Tụi tôi đứa lớn đứa nhỏ đều thương mẹ và nổi nóng với việc người ta chửi mẹ mình. Mẹ vẫn đóng cửa, lo làm lụng nuôi con ăn học, không một lời nói đi nói lại. Có lần, anh tôi và tôi (lúc đó tầm 9- 10 tuổi thôi) xách dao xông ra chém ông bà bác vì cái tội chửi mẹ nhiều ngày. Mẹ ôm tụi tôi lại, khóc, “Con ơi, đừng làm vậy. Ba chết rồi. Các con đừng làm gì để người ta nghĩ là ‘thằng X. chết rồi con T. không biết dạy con’.” Tụi tôi bỏ dao. Khi ra đường, gặp họ, tôi khinh, không thèm chào không thèm thưa gởi, họ lại chửi tiếp, mẹ la tôi, “Ai sai có phần của người đó. Rồi sẽ đến lúc họ nhận ra. Con là con cháu, không được cư xử như vậy.”

Sau này, trong họ hàng có ai gặp bất kỳ khó khăn gì, mẹ đều giúp bằng tất cả những gì bà có thể. Tôi hỏi tại sao, mẹ bảo, “Người ta hồi xưa chửi mình vì người ta chưa hiểu mình. Người ta có những cái sai do thiếu hiểu biết. Mình hiểu biết hơn họ mà mình đáp trả giống vậy thì khác nào mình cũng sai theo. Từ từ mình nói rồi người ta hiểu. Bây giờ họ biết rồi, họ có những lúc khó khăn mình không giúp không được.

Một phần mình giữ sự tử tế của mình cho trọn, một phần mình giận hờn trách móc để bụng người ta chuyện cũ làm chi cho buồn mình, phần lớn hơn là con người mà yêu nhau hổng hết ghét nhau làm chi.”

Bài học trực quan đó mãi vài năm gần đây tôi mới thấm và tập thực hành. Trước đó, tôi vẫn giúp người đã từng hại mình nhưng giúp với cái tâm thế của người cố gắng giữ trọn phần tử tế của mình chứ không bằng tình yêu thương và thấu hiểu. Tôi vẫn có chút trách buồn, không phải hoàn toàn không có. Tôi đã nghĩ điều đó là bình thường. Tôi đã không thực sự hiểu đúng đủ bài học của mẹ.

Những va chạm trên mạng xã hội, trong công việc, trong đời sống, những hiểu lầm, những vu vạ… ngày một nhiều cộng thêm việc xã hội, việc sức khỏe đã có lúc tưởng như quật ngã tôi vì stress.

Những người mà mình tin tưởng là họ yêu thương và hiểu mình thì rốt cuộc chẳng hiểu gì hết và thậm chí có người còn gây tổn thương đau đớn hoặc có người quay ra chửi mình. Tôi bỏ viết một thời gian khá dài, sống khép kín, tách biệt.

Một thời gian, tôi nhớ những lời mẹ dạy, cộng đọc nhiều, tôi thấy mình sai khi đã không đủ kiến thức để yêu thương và bao dung.

Người có nhận thức cao hơn người khác trong một vài vấn đề, lĩnh vực nào đó là bởi vì anh được tiếp cận với môi trường, tài liệu, con người… đã hỗ trợ cho anh có điều kiện để có kiến thức hơn người khác. Đó là sự may mắn. Dĩ nhiên, có nỗ lực cá nhân, nhưng nó hoàn toàn không phải là tất cả. Kiến thức là một bể học mênh mông của nhân loại. Những người đi trước đã truyền lại và cứ tiếp nối như thế để những người đi sau thừa hưởng. Người được thừa hưởng phải tiếp tục công việc truyền lại theo cách này hay cách khác. Đó là trách nhiệm của người có kiến thức. Nếu chối bỏ trách nhiệm đó, anh không còn xứng để được thừa hưởng và không xứng được gọi là người trí thức.

Người dấn thân tham gia vào công tác xã hội thì phải có kiến thức và sự thấu hiểu (không có hoặc có chưa đủ thì nhất thiết phải học, nếu không sẽ bị đào thải).

Khi có kiến thức và sự thấu hiểu ta sẽ nhìn rõ căn nguyên, bản chất của sự việc, của con người, ta sẽ không còn nặng lòng vì những va chạm, hiểu lầm, hiểu sai, chửi bới, trách móc, vu oan. Với người viết sai trong một chủ đề nào đó, ta sẽ nhìn thấy họ thiếu kiến thức trong lĩnh vực ấy nên mới viết sai. Ta giúp họ bổ sung phần kiến thức còn thiếu khuyết ấy. Họ sẽ nhận ra và học được để không sai nữa. Có những người không học được ngay, kệ, hãy nhìn lại chính mình, bài học mẹ dạy từ ba mươi năm trước mà bây giờ mình mới học được đúng đủ đấy thôi. Kiên trì. Kiên trì. Kiên trì.

Với người có tính xấu này thói xấu kia và làm ảnh hưởng đến ta, khi có sự thấu hiểu ta sẽ dễ dàng biết nguyên nhân sâu xa phía sau và khi biết rồi ta sẽ chẳng thể trách giận, mà chỉ có thể tìm cách giúp để họ thay đổi. Họ thay đổi liền hay vẫn cãi vẫn cố, không quan trọng, quan trọng là mình vẫn làm cái việc mà mình thấy đúng và cần làm. Rồi họ sẽ thay đổi. Kiên nhẫn. Kiên nhẫn. Kiên nhẫn.

Sự bao dung, tình yêu thương không chỉ nói ở đằng mồm hoặc nghĩ ở trong đầu là nó sẽ đến với mình và làm cho mình có nó. Sự bao dung và tình yêu thương phải xuất phát từ kiến thức, thấu hiểu. Nỗi thống khổ của sự thấu hiểu là luôn nhận phần thiệt thòi về mình trước tiên. Gọi là khổ, nhưng khi bạn bước lên một tầng nhận thức mới nữa, bạn sẽ thấy nó bình thường, thậm chí đem lại niềm vui vì mình có ích.

Tuân Tử nói: “Gặp người đáng nói mà không nói thì phí mất người. Gặp người không đáng nói mà nói thì phí mất lời.” Mình cũng đã từng chảnh như vậy. Sau này, khi thay đổi nhận thức, mình chợt nhận ra cái việc mà mình cho là “phí lời” ấy có đúng hay không? Lời đâu phải của mình nghĩ ra?

Lời mà mình có là do cha mẹ, do được học từ kiến thức của bao đời người mà có. Giờ, mình giữ lời cho mình, không nói chỉ vì mình cho rằng đó là kẻ không đáng nói thì liệu mình có đúng? Mình có làm tròn bổn phận và trách nhiệm của một người có học, có kiến thức? Mình có xứng đáng được gọi là trí thức không khi không có sự thấu hiểu và bao dung với người thậm chí còn phán xét họ và khinh khi họ không đáng để mình nói? Mình là ai? Liệu có những người ở tầng nhận thức cao hơn mình nhìn mình và khinh khi mình là kẻ không đáng để họ nói không? Một loạt câu hỏi đặt ra và khi trả lời được, ta thấy ta cần phải khiêm nhường đi biết chừng nào bởi ta chỉ là hạt cát chút xíu.

Xã hội mình bây giờ không hề dễ sống, rất khó để có thể hiểu nhau, rất cực nhọc trong việc trao đổi, thảo luận. Biết vậy. Nhưng việc đúng phải làm thì mình làm thôi. Không có cách nào khác nếu muốn thay đổi xã hội.Mình vẫn đang trong quá trình học và thực hành, dĩ nhiên đầy lần không giữ được cảm xúc. Nhưng, mình nhận ra nhanh và lập tức sửa mình theo hướng đi mà mình đã chọn. Nếu có nhiều người cũng nghĩ như mình và bền bỉ kiên nhẫn làm cái việc yêu thương vô điều kiện và trao đổi trên tinh thần thấu hiểu, không phán xét bỉ bôi nhau thì việc chung nhanh xong lắm bởi con người đa số đều muốn hướng thiện, sống tốt, chẳng muốn xấu.

Tác giả: Nguyễn Thị Bích Ngà

Form điền thông tin liên hệ

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here