Yêu thương vô điều kiện, yêu thương có điều kiện, nuông chiều vô lối, rất nhiều người lẫn lộn ba khái niệm trên với nhau và thường xuyên bị bối rối hoặc sai cách trong diễn đạt và thực hiện.
Yêu thương vô điều kiện
Cách đây ít lâu, có một bạn cũng khá nổi tiếng viết bài trên facebook cho rằng các loài động vật đều có bản năng nuông chiều con bằng thứ tình yêu vô điều kiện, chỉ có con người là có suy nghĩ nên phải yêu con khác đi, phải yêu bằng tình yêu có điều kiện thì mới dạy con nên người được. (Bài dài và nói vòng quanh… sai từ mệnh đề cho đến biện luận nên tôi không thích, không trích dẫn trực tiếp.) Tôi không chủ đích phản biện bài viết của bạn ấy, tôi thấy đây là cách mà rất nhiều người đang cho rằng đúng và làm theo. Xin thưa, đó là một cách hiểu hoàn toàn sai lệch.
Yêu thương vô điều kiện là bản năng của các loài động vật. Đó là thứ tình yêu mà Tạo hóa ban cho các loài để yêu thương con cái của mình. Chỉ có con người, khi tiến hóa và suy nghĩ sai lệch mới sinh ra cái thứ nuông chiều và yêu thương có điều kiện, chính hai thứ này mới làm hỏng con cái mình.
Quan sát trong tự nhiên ta thấy, con mèo con chó đẻ con, chúng liếm láp cho con, ăn cứt của con ỉa ra, cho con bú đến tọp người, hạ canxi chân cúm vào vẫn lết về cho con bú. Những con chó, mèo con day, cắn, đạp, leo lên đầu lên cổ mẹ mà giằng giật thì mẹ vẫn nằm im, liếm láp lũ con một cách trìu mến yêu thương. Con chó, mèo mẹ không vì thế mà chê con hư rồi cắn con, không yêu con.
Chúng không yêu con nào hơn con nào, không ghét bỏ một đứa con nào cả. Tình yêu của mẹ chó, mèo dành cho con là hoàn toàn vô điều kiện.
Một con chó con bị người lạ cầm lên tay, chó mẹ lập tức gầm gừ đe nẹt và sẵn sàng tấn công, thậm chí nó không cho ai, kể cả những con chó khác đến gần ổ của nó. Người ta bảo “dữ như chó đẻ” là vì vậy. Một con mèo con bò lạc ra khỏi tổ, mèo mẹ luôn tìm cách cắn cổ con tha về. Con ngỗng đẻ trứng, đố ai lạ động vào tổ nó được, vợ chồng nhà ngỗng sẽ rượt kẻ ăn cắp trứng chạy tóe khói. Đó là bản năng bảo vệ con cái mãnh liệt xuất phát từ tình yêu vô điều kiện của chúng.
Nhưng, chú ý ta sẽ thấy, khi con chúng bắt đầu chạy lon ton được, thì ngỗng sẽ dắt con đi kiếm ăn, dạy con chỗ nào có thức ăn, đào bắt được gì ngỗng mẹ nhường con hết nhưng luôn dạy con tự kiếm. Chó con khi chạy được thì bắt đầu sục sạo và tham lam nhào vào bát thức ăn của mẹ, liền bị mẹ táp, gừ đuổi đi. Không phải nó giành ăn với con mà là nó biết đường ruột con nó chưa thể ăn được thức ăn nên không cho. Sư tử mẹ săn mồi, bầy con háo đói xông vào tranh miếng ngon liền bị táp, tát, gừ đuổi để dạy cho chúng biết vị trí trong đàn. Khi dắt con đi săn mồi, đầy lần các con vì thiếu kinh nghiệm và hoắng huýt nên cuộc săn bị hỏng, cả bầy chịu đói, sư tử mẹ không bao giờ vì vậy mà hết yêu thương và trách phạt, cắn xé lũ con hay đuổi chúng ra khỏi bầy.
Tình yêu vô điều kiện là yêu thương con vì chúng là con của mình, không phân biệt đực hay cái, xấu hay đẹp, lành lặn hay tật nguyền, nên hay hư, ngoan hay không ngoan. Nhưng vẫn luôn dạy bảo, hướng dẫn những kỹ năng sinh tồn, quy tắc sống cho con một cách đầy đủ và trách nhiệm nhất. Khi con đã đến tuổi trưởng thành, chúng liền lập tức tách bầy và sống đời sống riêng. Một chu kỳ sinh đẻ khác mới lại bắt đầu. Rất trách nhiệm nhưng đầy bản năng, rất khoa học nhưng luôn thuận tự nhiên.
Ở con người, thuở xa xưa, cũng thế mà thôi.
Yêu thương có điều kiện
Chỉ có con người, có những suy nghĩ sai lệch về phương pháp giáo dục; vì các thói tính ích kỷ hoặc tổn thương tâm lý làm cho suy nghĩ lệch lạc; bị ảnh hưởng bởi các thứ “văn hóa” do con người nghĩ ra để áp chế vào cộng đồng nhằm tạo ra một xã hội theo ý của con người, một cách phản khoa học, nên mới đặt ra điều kiện với con cái để được yêu thương. Con người là giống loài hư hỏng nhất trong chuỗi tuần hoàn bởi đa số ỷ mình thông minh nên toàn đi ngược, làm ngược lại Tạo hóa.
Yêu thương con cái là một bản năng vô điều kiện đã bị con người (nhất là người Việt) biến thành thứ tình yêu phải có điều kiện mới được ban phát. Chả có giống loài nào khác con người làm như thế cả. Cái tình yêu có điều kiện có làm cho con người tài giỏi, tồn tại, sống tốt hơn không? Không. Nó chỉ giết chết đi tình yêu thực sự, biến con người thành những sinh vật vị kỷ, ban phát, đầy tổn thương nhưng cứ nghĩ mình là trung tâm của vũ trụ.
“Ăn đi, mẹ yêu.” Người mẹ ngọt ngào. Đứa trẻ không ăn, nhè ra, liền bị chính người mẹ ấy trở giọng ngay lập tức, quát, “Có ăn không thì bảo, không ngoan mẹ không yêu bây giờ.” Nghĩa là đứa trẻ phải ngoan ngoãn nuốt thức ăn mẹ đút cho thì mới được yêu.
“Con nhà người ta sao mà ngoan ngoãn học hành giỏi giang chăm chỉ thế, con nhà này vừa dốt vừa lười, chỉ mỗi cái vòi tiền xin đi chơi là nhanh. Biết thế này tôi đẻ quả trứng ăn còn hơn.” Con mình đẻ ra luôn không bằng con nhà hàng xóm. Sao các mẹ không đi xin con nhà hàng xóm về mà nuôi? Con mình đẻ ra không được yêu, đi yêu và khen ngợi con nhà hàng xóm, đặt điều kiện bắt đứa trẻ phải răm rắp theo đúng mọi ý muốn của mình thì mới được yêu, ngược lại thì có toàn quyền sỉ nhục nó, coi nó không là người?
“Đấy, con nhà người ta mới ra trường đã xin được việc ngay vào chỗ này chỗ nọ, lương cao, lại sắp cưới vợ sinh con cho bà có cháu bồng đấy. Con nhà này ăn học tốn bao tiền của bố mẹ mà vẫn lông bông chả được cái tích sự gì…” Có tiền, có vợ chồng đẻ con đáp ứng nhu cầu của bố mẹ thì mới được yêu. Ngược lại, “vô tích sự.”
Tôi có thể liệt kê ra đây hàng ngàn kiểu xỉa xói, chì chiết, chỉ trích, đặt điều kiện và bắt con phải đáp ứng được điều kiện mới được yêu thương của bố mẹ – con người. Thay vì yêu thương vô điều kiện, hướng dẫn con cái để chúng sinh tồn, các quy tắc ứng xử để làm người có thể hòa nhập, sống tốt trong cộng đồng và sống cuộc đời của chúng thì bố mẹ – con người luôn đặt điều kiện để bắt chúng đáp ứng nguyện vọng, ý chí của mình và sống – thay, vì, cho – mình một cách rất ích kỷ và hoàn toàn phản tự nhiên.
Điều mà tôi cho là hư nhất, khốn nạn nhất, mà con người thậm chí không nhận ra chính là khi đặt điều kiện các ông bố bà mẹ con người luôn nhân danh tình yêu, luôn cho rằng đó là vì muốn tốt cho con! Còn sự tởm lợm nào hơn!? Xin được phép nói thẳng như thế. Chúng ta không oán trách những ông bố bà mẹ mắc phải thói đặt điều kiện khi yêu con cái, họ cũng là nạn nhân của bố mẹ ông bà, nhưng cần phải thật thẳng thắn, rõ ràng chỉ ra cái sai một cách quyết liệt và rành mạch như thế, thì mới mạnh dạn thay đổi được tư duy của chính mình, hòng tuyệt đối tránh vòng lặp bệnh lý – lặp lại điều sai ấy với con cái chúng ta.
Nuông chiều vô lối
Nuông chiều vô lối là một hình thức thể hiện của tình yêu tử cung.
Tình yêu tử cung là một cụm từ tôi dùng lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong các bài viết về giáo dục. Tôi cũng đã giải thích khái niệm trong nhiều bài trước, xin lặp lại để các bạn mới dễ hình dung:
Tình yêu tử cung là yêu con cái một cách bảo bọc, nâng niu, chiều chuộng, chăm bẵm, che chắn thái quá sau khi đã sinh con ra. Bố mẹ có tình yêu tử cung không thể coi con là một cá thể độc lập, luôn muốn nó dính chặt, phụ thuộc vào mình như đứa bé còn nằm trong tử cung của mẹ.
Từ tình yêu tử cung, bố mẹ luôn nuông chiều bất kỳ ý thích nào của con, không thể dạy bảo hướng dẫn một điều gì. Con chó táp dọa, gừ con chó con khi nó chưa đủ tuổi ăn mà nhào vào ăn với mẹ là vì con chó mẹ không muốn con mình bị hỏng đường ruột mà chết. Nhưng bố mẹ con người nuông chiều thì luôn sợ con chết nhưng không đủ kiến thức, dũng cảm, cứng rắn trong lý trí để từ chối mà sẵn sàng chiều cho con những điều không đúng.
Một đứa trẻ ba tuổi, đòi chơi IPad của bố, bố không cho, con lăn đùng ra khóc ăn vạ, mẹ lập tức lấy cho con chơi, khi bố không đồng ý thì mẹ xị mặt ra xỉa xói chồng ích kỷ.
Một đứa trẻ tập đi, bị ngã, mẹ thấy con ngã không nặng, muốn con tập tự đứng lên nên khuyến khích, bố thấy thế liền chạy đến đánh chừa hòn gạch, quay ra mắng mẹ vô ý vô tứ để con ngã còn ngồi đó không đỡ con lên.
Bố mẹ dạy con ý thức tự lập, hướng dẫn con tự dọn đồ chơi, tự dọn bàn ăn, tự vệ sinh… ông bà thấy thế liền giành lấy làm hộ cháu, quay ra trách mắng bố mẹ cháu “nó bé tí biết gì mà bắt nó làm thế..”
Ta có thể thấy rất nhiều cảnh cả nhà cùng nuông chiều một đứa trẻ hoặc trong nhà có một, vài người nuông chiều đứa trẻ đi ngược lại cách yêu thương giáo dục của người khác.
Tình yêu tử cung, nuông chiều vô lối làm hỏng hoàn toàn đứa trẻ. Nó sẽ làm cho trẻ sống bám, dựa dẫm, luôn đòi hỏi cho bản thân, không hề nghĩ tới người khác kể cả người thân, khi lớn chắc chắn nó sẽ thành “cục nợ.”
Ở Việt Nam, ta lại còn thấy một kiểu kết hợp dị hợm khác: nuông chiều vô lối kết hợp với yêu thương có điều kiện.
Lúc trẻ còn nhỏ, là khoảng thời gian cần được yêu thương vô điều kiện và hướng dẫn, chỉ bảo cặn kẽ kỹ năng thì lại bị nuông chiều và bảo bọc trong tình yêu tử cung không dạy bảo hướng dẫn gì. Chẳng có ông bố bà mẹ nào mang thai suốt đời được nên tất lẽ dĩ ngẫu sẽ đến lúc mệt mỏi và thèm nghỉ ngơi, nhưng rủi thay, đứa con đã thành nếp dựa dẫm rồi, thế là họ quay ra đặt điều kiện bắt nó phải thế này thế nọ, chì chiết, chỉ trích nhưng vẫn không biết cách hướng dẫn. Đứa trẻ trở nên mâu thuẫn cùng cực và tội nghiệp vô cùng vô tận. Nó hoàn toàn là sản phẩm lỗi từ chính lỗi của bố mẹ, ông bà, nhưng không bao giờ bố mẹ ông bà nhận đó là lỗi của mình, họ sẽ đổ tại trời sinh tính!
Những gì cần nói tôi vẫn chưa nói hết, nhưng thiển nghĩ cũng đủ để các bậc làm bố mẹ suy nghĩ và nhận diện được các khái niệm, các hình thức thể hiện và lựa chọn cách đúng nhất cho mình để yêu và dạy con.
Tác giả: Nguyễn Thị Bích Ngà
Để lại một bình luận