ĐẶT NIỀM TIN VÀO CON

Trong dạy con, việc bố mẹ đặt niềm tin vào con là điều rất quan trọng. Bởi nếu bố mẹ không đặt niềm tin vào con thì sẽ không có khuyến khích, động viên, kiên nhẫn, chờ đợi; chỉ có chỉ trích, thất vọng, chê bai, bài bác – những điều tối kỵ khi dạy trẻ.

Có người nghĩ, con cái của ta thì dĩ nhiên là ta phải tin chúng rồi, sao lại không? Nhưng kỳ thực điều này cần phải học, bố mẹ cần học để tin con mình và học cách kiềm chế cảm xúc của mình để đặt niềm tin vào con.

Chúng ta, những kẻ to xác và đầy định kiến, bảo thủ, luôn tự cho rằng mình nhiều kinh nghiệm, từng trải, hiểu biết, đúng đắn, chân lý, và nhân danh tình yêu thương, đôi khi có xu hướng áp đặt trong dạy bảo con trẻ. Có những lúc chúng ta hoàn toàn không tin bọn trẻ con có thể tự làm được một việc gì đó nếu không có ta.

Và bằng cái “tình yêu tử cung” ấy, ta không bao giờ muốn coi con là một cá thể độc lập, do đó ta luôn muốn kiểm soát con trong tất cả mọi việc. Ta luôn lấy cái mà ta gọi là “kinh nghiệm bản thân” ra để ép con phải tuân phục theo cách của mình. Nhưng ta quên rằng những kinh nghiệm mà ta có nhiều khi không còn hợp thời hoặc thậm chí là sai lầm, bởi nó rất chủ quan.

Trong một số gia đình, đứa trẻ hoàn toàn bị triệt tiêu sự sáng tạo trong tư duy và hành động, hoàn toàn không được tin tưởng. Trẻ không được phép sống cuộc đời của mình. Đứa trẻ nào dám đòi được suy nghĩ khác, từ việc đơn giản như không ăn món mẹ chọn, cho đến làm việc theo cách của mình, hay tự quyết định một việc nhỏ nào đó… liền bị coi là hư hỏng, không ngoan.

Ít bố mẹ Việt làm được việc kiềm chế cảm xúc cá nhân để trao con niềm tin, để trẻ trải nghiệm và mình chỉ đóng vai trò hướng dẫn. Để làm được điều này, ta cần tình yêu vô điều kiện và sự kiên nhẫn, biết đặt quyền lực bố, mẹ qua một bên để tôn trọng con, coi con là một cá thể độc lập, làm bạn với con.

Con gái tôi mua một cái xe Win. Loại này từ lâu không sản xuất mới, chỉ có thể mua lại xe cũ. Khi con nói chuyện mua xe, tôi đề nghị con có thể nhờ chú V., chú B. giúp coi xe vì các chú rành chuyện xe cộ. Con bảo, con có bạn giúp coi rồi. Rõ ràng trong lòng mình không biết bạn của con có thể giúp con không, và mình biết các chú có thể giúp, nhưng vì tôn trọng quyết định của con nên mình im lặng.

Khi mình kể chuyện này với chú B., chú và cô ngay lập tức phản ứng bằng kinh nghiệm cá nhân và cho rằng việc quyết định mua xe của con là một sai lầm, sợ con không biết lái, sợ tai nạn, sợ xe cũ hay hỏng, sợ đường trong thành phố không phù hợp và cô chú nói nhiều về việc mình không biết dạy con, sao lại để con tự quyết định một chuyện như thế. Cô chú thương con hoàn toàn theo cách khác của mình. Khi nghe chú và cô nói, mình tin rằng con quyết định không nhờ chú giúp là một quyết định đúng đắn bởi nếu con nhờ, con sẽ phải nghe những lời ngăn cản và dạy bảo như trên chứ không nhận được sự giúp đỡ. Con không nhận được sự tôn trọng.

Con chuyển tiền mua xe xong, sau một tuần vẫn không nhận được xe. Mình sốt ruột hỏi, con bảo người ta hẹn tuần sau. Sang tuần sau, con vẫn bảo người ta hẹn tuần sau. Mình có nghi ngờ trong lòng rằng con đã bị gạt và có gợi ý nếu con cần thì mình có thể giúp. Con bảo, “Anh bán xe dễ thương lắm. Mẹ yên tâm. Con tự giải quyết được.”

Khi con nói: “Con tự giải quyết được”, mình không tin lắm. Bởi đây là lần đầu tiên con thực hiện một giao dịch lớn đối với con. Con hiền lành không nghĩ ai xấu bao giờ, đã chuyển tiền từ lâu mà người ta vì cớ gì hẹn hoài không giao xe cho con. Mình nghĩ có đến 80% con bị gạt và con không thể giải quyết. Mình nghĩ như vậy nhưng không hề hé ra miệng với con. Con đã nói “Con tự giải quyết được” thì mình không được phép can thiệp, chỉ có thể chờ và quan sát, cố gắng tin tưởng vào sự giải quyết của con.

Cho dù rất sốt ruột và sợ con bị gạt, sợ điều ấy sẽ làm con mất niềm tin vào con người, nhưng mình không lấy quyền làm mẹ để áp đặt suy nghĩ của mình lên con và xen vào việc của con. Mình phải kiềm chế cái “tình yêu tử cung” bảo bọc của mình.

Tuần sau, con hịn hịn chạy xe lên thăm, khoe xe chạy tốt, anh bán xe đã sửa và sơn mới cho con… Mình thở phào và mừng vì mình đã biết kiềm chế bản thân. Nếu mình không kiềm chế thì mình đã có thể la mắng con hoặc nói những điều khó nghe về người khác bởi sự nghi ngờ của mình.

Trong câu chuyện trên, ta thấy, có sự mâu thuẫn giữa việc đặt niềm tin vào con và tình yêu bảo bọc. Khi tôi dẹp đi tình yêu bảo bọc che chắn thì tôi mới có thể làm một người mẹ biết đặt niềm tin vào con và để con được tự trải nghiệm và sống cuộc đời của con. Nếu tôi chọn thể hiện uy quyền và áp đặt thì tôi đã không có con – một người bạn tuyệt vời và làm tôi tự hào như thế.

Tôi luôn biết đấy là một việc không hề dễ dàng, nhưng ta buộc phải lựa chọn, và khi đã chọn thì phải nhất quán từ đầu đến cuối. Yêu thương vô điều kiện là một điều không hề đơn giản nhưng đó mới là tình yêu đúng đắn mà con người có thể trao nhau.

Tác giả: Nguyễn Thị Bích Ngà


Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *