Trang chủ PHƯƠNG PHÁP DẠY CON DẠY CON PHƯƠNG PHÁP TƯ DUY (P2)

DẠY CON PHƯƠNG PHÁP TƯ DUY (P2)

311
0

Trong bài trước, tôi đã trình bày các giai đoạn ghi nhớ, hiểu biết và ứng dụng. Trong phần này, tôi sẽ giới thiệu các phần tiếp theo là giai đoạn phân tích, đánh giá và sáng tạo.

Khi trẻ đã có thể ghi nhớ sự vật, sự việc, biết phân biệt thì đồng thời cũng phát triển tư duy phân tích, đánh giá. Nếu các bước này được rèn luyện đúng cách, trẻ sẽ phát triển tư duy sáng tạo.

Giai đoạn hiểu biết là giai đoạn quan trọng nhất. Một đứa trẻ được dạy để biết không thôi là chưa đủ, cần dạy cho chúng hiểu. Muốn vậy, ba mẹ cần kiên nhẫn giải thích cho con và giải đáp những thắc mắc của chúng về thế giới xung quanh.

“Mẹ ơi tại sao con chó có đuôi mà con người lại không có?”

“Vì đó là hai loài khác nhau. Trên trái đất ta sống có rất nhiều loài khác nhau. Có con có đuôi có con lại có cánh, có con đi trên mặt đất có con lại bơi dưới nước, con thì bay trên trời. Như vậy mới đa dạng và tất cả làm nên một trái đất rất đẹp nè.”

Một đứa trẻ được mẹ giải thích cho nghe như thế thì sẽ có ý niệm phân biệt được loài, trong đầu sẽ tưởng tượng ra rất nhiều thứ hay ho, xinh đẹp và tuy chưa thể biết được tất cả các loài và trái đất ra sao nhưng đã có ý niệm về sự to lớn, về toàn cảnh. Nếu mẹ gạt đi và bảo, “Tại ông trời đẻ ra như vậy.” thì trẻ sẽ biết mà không hiểu và hoàn toàn chẳng có liên hệ, chẳng tưởng tượng, chẳng phân tích gì nữa cả.

Để trẻ có thể phát triển khả năng tư duy phân tích, trong cuộc sống hằng ngày, ba mẹ nhất định phải để trẻ tự lập. Trong các bài trước, tôi đã trình bày cách dạy con tự lập như thế nào. Khi trẻ được dạy cách tự lập và được ba mẹ cho tự lập, trong quá trình tập đó não trẻ phải phân tích để trẻ làm mọi thứ từ ăn, uống, dọn dẹp đồ chơi…sao cho nhanh, gọn nhất theo cách của trẻ, để trẻ còn có giờ để chơi thứ khác.

Tự lập nghĩa là có những lúc trẻ phải làm một việc gì đó một mình. Con muốn uống nước nhưng bình nước để cao hơn tầm tay với, con sẽ biết kéo cái ghế để leo lên lấy nước. Nếu con chưa biết, hãy chỉ con, “Có cái ghế kìa con, con lôi cái ghế lại và leo lên thì con sẽ cao lên, sẽ lấy được nước. Con làm thử coi nà.”

Đừng thấy trẻ không với tới bình nước mà vội chạy lại lấy cho và cứ mỗi lần trẻ muốn thì lại lấy cho trẻ mà không để nước chỗ thấp hơn hoặc chỉ cách cho trẻ tự lấy. Khi ba mẹ dạy cho trẻ cách lấy ghế leo lên để lấy nước là đang dạy trẻ quan sát, liên hệ các sự vật và phân tích, úng dụng nó vào cuộc sống. Ba mẹ cũng có thể gợi ý cho trẻ những cách khác để trẻ biết rằng có nhiều cách để làm một việc. Nếu bạn không dạy trẻ tự lập mà bảo bọc thái quá thì tư duy của trẻ cũng sẽ không được rèn luyện. Con sẽ thụ động, nói trắng ra là ngu khờ và sẽ chịu rất nhiều thiệt thòi khi đến tuổi phải ra xã hội.

“5+5=10. Nhưng 2+8 cũng =10. Con thấy không, ta có nhiều cách để giải một bài toán. Trong cuộc sống cũng vậy, con có rất nhiều cách để làm một việc, cũng như trong một việc ta có thể sẽ có rất nhiều ý tưởng.” Dạy trẻ một bài toán không phải chỉ để trẻ biết tính đếm mà cái chính là dạy về logic.

Khả năng ghi nhớ, hiểu biết sẽ làm cho trẻ biết cách tiếp nhận thông tin và nhiều ý tưởng khác nhau. Khi não có thông tin và ý tưởng, lúc cần ứng dụng thì não trẻ buộc phải phân tích, suy nghĩ sâu để áp dụng. Trẻ có lúc làm đúng nhưng sẽ làm sai rất nhiều lần, đừng trách mắng, hãy hướng dẫn, gợi ý và để trẻ thực hiện lại. Đây là giai đoạn trẻ phát triển khả năng đánh giá.

Ba dạy con sửa cái xe, không chỉ là dạy cách tháo ra lắp vào những bộ phận của cái xe mà còn là chỉ cho con cách đánh giá. “Con ốc này nếu con vặn chặt tay thì cái bánh xe sẽ không xộc xệch. Cái xe sẽ chạy tốt.” Nhưng nếu ông bố chỉ bảo, “Vặn chặt vào” rồi thôi thì trẻ chỉ biết là cần vặn chặt nhưng không hiểu vặn chặt có tác dụng gì. Khi làm một mình, trẻ sẽ vặn con ốc một cách hời hợt.

Con về mách, “Bạn An rất xấu tính con không chơi với bạn An nữa.” Ba mẹ cần trao đổi, đặt ra nhiều câu hỏi để gợi ý cho con tư duy, “Thế bạn An xấu như thế nào nè?” “Bạn An không cho con chơi đồ chơi.” À, không cho chơi cùng nên xấu! Ta cần tiếp tục đặt câu hỏi, “Thế trước đó con có cho bạn An chơi đồ chơi của con không?” “Nhưng mà bạn An mạnh tay lắm, cho bạn chơi rồi bạn làm hư đồ của con.” “Biết đâu bạn An cũng nghĩ giống con rồi sao?”… Cứ thế, ta cần tập cho trẻ biết nhìn nhận đánh giá vấn đề một cách khách quan nhất. Ta đừng chỉ nghe con nói bạn An xấu thì lại bảo, “Đừng chơi với nó nữa!” (Đây là cách ba mẹ Việt rất hay làm.)

Sáng tạo là khả năng cao nhất trong các cấp độ tư duy. Khả năng này không thể phát triển nếu các khả năng trên không được rèn luyện và phát triển. Chúng ta thường mặc cảm vì dân tộc mình không có những phát minh, sáng kiến gì cho nhân loại. Đó là do nền văn hóa, giáo dục của chúng ta xưa nay luôn dựa trên nền tảng của cảm tính và không hề chú trọng đến các phương pháp tư duy logic. Con người không được phép phản biện hoặc suy nghĩ ra ngoài khuôn khổ định sẳn. Thậm chí, chưa cãi, chỉ mới hỏi hơi nhiều thôi đã bị quát nạt và bắt câm mồm. Sự tưởng tượng và sáng tạo trong con người bị thui chột và biến mất.

Có khả năng tư duy logic, con trẻ sẽ biết nhìn nhận mọi việc một cách khách quan, đa chiều và thành công trong cuộc sống. Muốn dạy cho con tư duy logic, ba mẹ phải học và kiên nhẫn, yêu thương.Nhiều người nói với tôi rằng, “Nhiều người làm ba làm mẹ nhưng không có kiến thức thì sao dạy được con? Viết lắm có tác dụng gì đâu!” Đây là tư duy cảm tính. Sự thật đúng là nhiều người làm ba mẹ nhưng chưa đủ kiến thức nên dạy con sai cách. Nhưng vì thế thì tôi và các bạn có kiến thức hơn tôi trong lĩnh vực này càng cần phải viết để phổ biến kiến thức, kinh nghiệm cho mọi người. Đó mới là tư duy logic đúng đắn. Thay đổi bản thân, học tập để dạy con đúng cách là tình yêu, trách nhiệm và việc phải làm. Ba mẹ có tình yêu con thì sẽ làm được thôi.

Tác giả: Nguyễn Thị Bích Ngà

Form điền thông tin liên hệ

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here