Trang chủ Blog Những tổn thương bố mẹ thường vô tình gây ra cho con...

    Những tổn thương bố mẹ thường vô tình gây ra cho con P4

    410
    0
    Những tổn thương bố mẹ thường vô tình gây ra cho con

    NHỮNG TỔN THƯƠNG BỐ MẸ THƯỜNG VÔ TÌNH GÂY RA CHO CON

    Bài 4: Dạy con học.

    “Cái giống gì mà ngu quá, có nhiêu đó cũng không hiểu. Biết bao nhiêu tiền của cho ăn học mà học hành vậy hả? Hai cộng hai bằng mấy? Nhìn đi đâu thế, nhìn vào đây này. Tập trung vào.”
    “Mày ăn cái thứ gì mà ngu vậy? Không lẽ tao chẻ cái đầu mày ra nhét chữ vô?”
    “Mày làm xấu mặt gia đình quá. Học hành gì toàn điểm một hai thế hả? Ăn phí cơm.”
    “Đem tập vở ra đây. Tại sao không bao giờ mày chịu tự học bài vậy hả? Mày có biết là bố mẹ đi làm mệt lắm không?”

    là những câu mà ba mẹ thường quát con cái khi dạy chúng học bài ở nhà hoặc khi nhìn thấy điểm số của chúng.

    Tôi từng thấy nhiều vị ba mẹ vừa quát vừa đập bàn đập ghế chửi con vừa than thân, vừa chửi chồng hoặc vợ, khi dạy mãi một bài toán hằng tiếng đồng hồ mà mặt đứa con cứ nghệch ra không làm được. Rõ ràng họ không có phương pháp sư phạm và cũng chẳng có hiểu biết chút gì về tâm lý đứa trẻ. Họ được ba mẹ họ dạy như thế khi còn nhỏ và họ dạy lại con cái họ y chang, mà không nhớ rằng họ đã từng hoảng sợ thế nào khi bị bắt ngồi vào bàn học như thế.

    Chúng ta chửi ngành giáo dục, các trường, lớp, thầy cô chạy theo thành tích nhưng chúng ta có bao giờ nhìn lại chính chúng ta là những kẻ chuộng thành tích hay không? Từ lâu lắm rồi, việc con cái đi học điểm cao, ngoan ngoãn nói gì nghe nấy đã là niềm tự hào, là thứ để ba mẹ đem đi khoe, nên đứa nào không đạt được sự kỳ vọng đó liền trở thành nỗi nhục. Đó là chưa kể nhỡ nó đánh nhau, trốn học thì càng trở thành thứ bỏ đi trong mắt ba mẹ mình dù vẫn được nuôi ăn đầy đủ.

    Thông thường, con người giỏi vài mặt này thì thường thường bậc trung hoặc dở vài mặt kia, chẳng có ai giỏi toàn diện về mọi thứ, biết hết mọi thứ. Ngày nhỏ, tôi học văn rất giỏi, các bài văn thường được thầy cô sử dụng để làm văn mẫu, điểm luôn cao, nhưng tôi không thể nhét vào đầu các công thức hóa, dù cố gắng đến đâu điểm cũng chỉ đạt mức trung bình.

    Tôi cũng bị bắt phải ngồi ở bàn học hằng tiếng để thuộc cho kỳ được những công thức hóa và bị chửi mắng vì không học được, nhưng những bài văn hay thì chẳng bao giờ nghe ba mẹ nói với mình rằng ba mẹ tự hào. Cái sự tự hào ấy ba mẹ có thể nói với khắp xóm, trừ tôi. Lý do vì sao không khen là: “Khen nó ỷ lại.”

    Tôi không biết ở các nước phương Tây hoặc châu Á là Nhật, người ta có phải dạy con học ở nhà như ba mẹ Việt hay không? Cách họ dạy thế nào? Có quát mắng chửi bới trẻ con, trút sự mệt mỏi lên chúng, làm cho chúng hoảng kinh hồn vía như thế không?

    Tôi thấy những người bạn tôi ở Mỹ, ở Úc, ở Nhật chẳng bao giờ khoe con họ điểm cao, vở sạch chữ đẹp, ngoan ngoãn. Họ khoe con họ hôm nay đã dừng lại để hỏi và giúp một người mù bước lên xe buyt. Họ khoe con họ để dành tiền để giúp một người vô gia cư. Họ khoe con họ phối hợp với bạn rất tốt trong một vở kịch ở trường. Họ khoe con họ xử lý vấn đề nào đó một cách thông minh…và họ luôn nói với chúng họ tự hào về chúng, yêu chúng.

    Dù ý thức hay vô thức, dù nhỏ tuổi hay lớn tuổi, dù ở bất kỳ đâu, tất cả những đứa con trên đời này đều muốn làm cho ba mẹ tự hào về mình. Cái mong muốn đấy làm cho con người cố gắng làm thật tốt những điều mà họ nghĩ ba mẹ sẽ tự hào. Nhưng, ở chiều ngược lại, có những vị ba mẹ không bao giờ nói với con mình điều đó mà chỉ toàn nói lời thất vọng cho dù nó có làm gì đi nữa. Đó cũng là một dạng tổn thương. Tổn thương này làm cho đứa trẻ ấy trở nên bất cần.

    Khi đã bất cần, đứa trẻ sẽ không muốn cố gắng nữa, chúng sẽ phản ứng bằng mọi cách tiêu cực mà chúng nghĩ ra được. Lúc này, thay vì thấu hiểu và điều chỉnh hành vi của chính mình thì ba mẹ lại càng chửi mắng chỉ trích và vô hình chung họ đã đẩy con mình ra xa mình mãi mãi. Lâu dần, tình yêu thực thụ trong trẻ sẽ chết, chỉ còn lại tính huyết thống, trách nhiệm, nghĩa vụ và cái thứ giả vờ là tình yêu, nó sẽ muốn thoát ly càng sớm càng tốt, những chuyến trở về bên gia đình hoặc sự chăm sóc nó dành cho ba mẹ khi về già chỉ là nghĩa vụ nó phải thực hiện, không hơn.

    Những thương tổn ấy có biến mất khi nó lớn hay không? Không. Nó sẽ biến thành di chứng, trở thành vòng lặp bệnh lý, nó sẽ ứng xử với con cái của nó y như vậy. Rất ít đứa tự nhận biết được tổn thương của mình và cố gắng sửa để không lặp lại. Và đứa nào cũng có một khoảng trống to hoác trong tâm hồn. Nó ít khen ngợi ai, nó thích chỉ trích, nó không biết khuyến khích ai và dĩ nhiên luôn khao khát được yêu nhưng không biết cách để yêu.

    Dạy con học, trước tiên, cần dạy chúng làm người, dạy chúng kỹ năng sinh tồn, biết yêu thương, chia sẻ. Cần khen ngợi, khuyến khích đúng cách và trách phạt đúng việc đúng nơi. Tránh làm trẻ xấu hổ nhục nhã và cảm thấy không được yêu thương.

    Những điều lâu nay chúng ta luôn cho rằng bình thường thật ra không hề bình thường chút nào. Sửa lỗi tư duy là một việc khó khăn với bất kỳ ai nhưng đó là điều dúng cần phải làm.

    Tg: Nguyễn Thị Bích Ngà

    Bài tiếp theo Bài 5: Tình yêu tử cung.

    Form điền thông tin liên hệ

    BÌNH LUẬN

    Please enter your comment!
    Please enter your name here