Trang chủ Blog Những nguyên tắc cơ bản để làm người tử tế

    Những nguyên tắc cơ bản để làm người tử tế

    446
    0
    Những tổn thương bố mẹ thường vô tình gây ra cho con

    NHỮNG NGUYÊN TẮC CƠ BẢN ĐỂ LÀM NGƯỜI TỬ TẾ

    Trong cuộc sống, làm người, không ai không mắc phải những sai lầm, làm những điều xấu hoặc vướng những thói tật xấu. Nhưng, điều cốt yếu cần nhớ trong mọi hoàn cảnh là:
    -Với tình bạn: trung thành.
    -Với tình yêu: vô điều kiện.
    -Với cuộc sống: phải làm điều đúng đắn.
    Ba điều cơ bản trên làm cho con người trở thành người tử tế.

    Với tình bạn: trung thành.
    Thuộc tính của con người là sống theo bầy đàn, tạo thành một quần thể, mà bây giờ người ta gọi là cộng đồng. Chỉ có một là thánh hai là kẻ điên mới chọn cách sống một mình cô độc không tiếp xúc với bất kỳ ai. Ngoài các mối quan hệ trong gia đình mang tính huyết thống, ràng buộc trách nhiệm và yêu thương thì con người bắt buộc phải có những mối quan hệ với những người khác bên ngoài gia đình. Ta tạm gọi chung đó là kết Bạn (các bạn đừng vào tranh cãi định nghĩa thế nào là bạn ở đây vì đó không phải là chủ đề bài viết.)

    Thế thì tại sao lại đặt tính trung thành lên trên mọi thứ trong một tình bạn? Vì chỉ có sự trung thành mới có thể gắn kết hai con người xa lạ lại với nhau. Thông qua sự trung thành, hai người bạn mới có thể tìm thấy sự tin tưởng, giao phó, hợp tác, niềm vui, sự thoải mái, an tâm và thuận lợi, có thể giải quyết việc trong mọi tình huống. Nếu tình bạn không có sự trung thành, hai người sẽ chỉ là mối quan hệ hời hợt luôn tiềm ẩn nguy cơ của sự phản trắc, bằng mặt không bằng lòng, quay lưng, sỉ nhục, làm hại nhau do lợi ích riêng, không bao giờ có sự tin tưởng và do đó khó thể hợp tác, làm việc cùng. Nếu cố gắng hợp tác sẽ luôn chỉ đem lại cái hại cho mình cho người cho công việc.

    Với tình yêu: vô điều kiện (tình yêu của người nói chung, không chỉ riêng tình cảm trai gái.)
    Một thuộc tính khác của con người: tư lợi. Con người là một loại động vật có tính chiếm hữu, tư lợi cao so với các loài động vật khác. Bởi thế, con người luôn toan tính làm sao có lợi nhất cho mình thì mới làm. Trong tình yêu cũng vậy, người ta thường lựa chọn người đem lại cho mình những cảm xúc mà mình thèm muốn để thỏa mãn cảm xúc của chính mình, đó là một kiểu tư lợi. Và khi người ta nhận thấy cái lợi đó là điều có thể tồn tại lâu dài, người ta tìm cách chiếm hữu làm của riêng. Nhưng khi người nọ không còn khả năng hoặc không muốn đem lại cho người kia những cảm giác mà người kia cần thì người kia sẳn sàng từ bỏ người nọ để tìm kiếm một người thay thế. Hoặc giả không thể kiếm người thay thế thì họ sẽ hành hạ nhau cho đến chết bằng lời nói, hành vi cay nghiệt, xúc phạm và tổn thương nhiều nhất có thể trong cố ý hoặc vô thức.

    Yêu vô điều kiện thật ra là có điều kiện, một điều kiện duy nhất: đặt cảm xúc của người mình yêu lên trên cảm xúc của chính mình. Khi cả hai đều biết đặt cảm xúc của người khác lên trên cảm xúc của chính mình thì họ sẽ trở thành cặp đôi hạnh phúc, bình yên, không bao giờ thôi yêu nhau dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Đó mới là tình yêu đích thực. Ngược lại, đều là những thứ ngộ nhận hoặc tệ hơn là nhân danh tình yêu.

    Với cuộc sống: phải làm điều đúng đắn.
    Bạn có thể nói ngay đó là điều khó, khi sống ở VN thì càng khó hơn bởi làm điều đúng đắn ở VN đồng nghĩa với bị cô lập, cô đơn và thiệt thòi, thậm chí bị hại cho đến khi bạn cảm thấy khó thể sống nổi. Đó là một nghịch lý ở VN.

    Điều đúng đắn. Chỉ có ba từ nghe chừng rất đơn giản nhưng nếu con người không có nền tảng căn bản để hiểu như thế nào là điều đúng đắn thì sẽ rất dễ nhầm lẫn giữa cái lợi của bản thân và điều đúng đắn, từ đó ta làm điều có lợi cho bản thân nhưng gây hại cho nhiều người khác và vẫn cho đó là điều đúng đắn. Rất nhiều người trong xã hội Việt đang mắc lỗi ngụy biện này. Thậm chí còn trầm trọng hơn khi người ta biết đâu đúng đâu sai nhưng lại cố tình ngụy biện, viện lý này nọ để làm điều xấu mà vẫn bắt người khác coi đó là điều đúng hoặc nhân danh điều đúng để làm điều xấu.

    Trong cuộc sống, ta hầu như phải lựa chọn mỗi ngày để làm điều đúng hoặc điều có lợi cho bản thân. Làm điều đúng nhiều khi sẽ đem lại cho mình sự rắc rối, thiệt thòi trước mắt, do đó nó trở thành một lựa chọn khó khăn thay vì làm điều có lợi mà lại quá dễ thực hiện.

    Ta đi đường, thấy một người bị tai nạn giao thông, ngay lập tức ta có những suy nghĩ gì?
    a. Giúp sơ cứu, liên hệ đưa người bị tai nạn đi bệnh viện.
    b. Phân vân không biết có nên đưa người bị tai nạn đi bệnh viện không vì sợ những rắc rối, phiền phức sau đó sẽ đến.
    c. Khẳng định luôn không giúp vì “giúp người hại mình.”

    Không chút cân nhắc, chọn a: là người biết rất rõ đó là việc đúng cần phải làm nên làm thôi, bất chấp hoàn cảnh và những tình huống gì có thể xảy ra sau đó. Đây là người tử tế, mọi người đều có thể tin tưởng và trông cậy vào người này.

    Chọn b phân vân: là người biết việc đúng sai nhưng nỗi sợ làm cho khó đưa ra quyết định. Nếu cuối cùng, chọn đưa người bị tai nạn đi bệnh viện dù trong lòng sợ rắc rối, đó là người tốt và phải đấu tranh liên tục với chính mình để duy trì những điều tốt, loại bỏ điều xấu trong bản thân. Đây là người thỉnh thoảng có thể gây ra những sai lầm nhưng vẫn là người có thể tin cậy được bởi cuối cùng họ vẫn là người tốt và lựa chọn làm điều đúng. (Con người nói chung luôn trong trạng thái phân vân như ví dụ này.)

    Chọn c không giúp: Là người đặt cái lợi của bản thân mình lên trên mọi thứ. Là người có thể thành đạt, có thể rất giàu, có thể có quyền lực và một lúc nào đó, khi có điều kiện thuận lợi, sẽ không từ thủ đoạn nào kể cả hại người để đạt được mục đích, lợi ích của riêng mình.

    Ta thấy, nhiều người nông dân VN hiện nay đang canh tác với hai phương pháp: một chăn nuôi trồng trọt cho nhà ăn, hai để bán. Cái làm cho nhà ăn thì họ làm đàng hoàng, cái làm để bán thì dối trá. Rõ ràng họ biết điều đúng và điều xấu, họ giành cái đúng cho gia đình mình, cái xấu cho người khác và ngụy biện rằng cả xã hội nó thế nên họ buộc phải làm theo.

    Hiện nay rất ít người Việt nghĩ mình cần bớt làm điều xấu tăng làm điều đúng để xã hội thay đổi. Cơ mà nếu vậy thì phải bỏ bớt cái lợi ích trước mắt đi. Đó là điều khó. Lẽ dĩ nhiên ít người chọn điều khó mà lại phải thiệt thòi. Rốt cuộc tất cả chúng ta là thủ phạm và là nạn nhân của nhau.

    Chọn làm điều đúng còn làm cho bạn trở thành người công chính. Bởi bạn luôn chọn làm điều đúng đắn phải làm thì bạn sẽ phải chống lại những cái sai trái, bạn phải chống lại quyền lực trong tay kẻ xấu, bạn phải chịu nhiều mát mát, bạn chịu nhiều sỉ nhục xúc phạm từ đối thủ của bạn và từ chính những người anh em bạn bè của mình, bởi điều đúng không phải lúc nào cũng được lòng người khác và điều đúng khó làm lại còn gây ra mâu thuẫn lợi ích.

    Thậm chí bạn sẽ bị ghét chỉ vì người ta không thể làm điều đúng giống bạn, bạn là cá biệt, bạn là cái thứ hình mẫu làm cho người ta phải nhìn vào và thấy bản thân người ta thấp bé. Mà, chẳng ai muốn bản thân thấp bé trước người khác cả. Ở những người có tư duy tích cực, họ sẽ học tập, phấn đấu để một ngày họ bằng bạn và vượt bạn. Ở những người có tư duy tiêu cực thì họ sẽ cố tìm cách kéo bạn xuống cho ngang hoặc thấp hơn họ.

    Đến đây, ta nhìn lại một chút về sự quan trọng của người bạn trung thành và tình yêu vô điều kiện: Bạn trung thành, người yêu vô điều kiện sẽ nâng đỡ giúp ta vượt qua mọi thứ để ngang bằng bạn, nếu ta hơn bạn, bạn vui.

    Một người có thể được coi là tử tế không khi trung thành với bạn nhưng không làm điều đúng trong cuộc sống hoặc yêu vô điều kiện với gia đình mình nhưng lại không giúp người bị nạn, hoặc làm điều đúng trong cuộc sống nhưng lại chiếm hữu người yêu mình?

    Cả ba nguyên tắc cơ bản đều nói dễ khó làm. Với tôi, người mạnh mẽ không phải là người có cơ bắp to khỏe, người mạnh mẽ là người có thể đưa ra quyết định chọn làm điều đúng ở những thời điểm khó khăn nhất, bất chấp việc nhận phần thiệt về mình.

    Làm người tử tế ở những nơi có luật pháp bảo vệ, có môi trường sống tương đối bình an, có cộng đồng nhiều người tử tế thì dễ hơn một chút so với nơi có môi trường tạo điều kiện cho cái xấu hơn cái đúng. Chọn sống hay chọn tồn tại là một lựa chọn riêng tư, chả ai bảo ai được.

    Tg: Nguyễn Thị Bích Ngà

    Form điền thông tin liên hệ

    BÌNH LUẬN

    Please enter your comment!
    Please enter your name here