Học con 2

bởi

trong

HỌC CON 2

“Mẹ, hôm nay con giúp bạn chuyển nhà trọ.”
“Ừ.”
Mình ừ nhưng trong lòng có chút bực mình vì mình thấy con mình đã giúp bạn chuyển nhà trọ nhiều lần nhưng chưa lần nào mình thấy bạn nào đến giúp con cả.

Sáng, mình chở con qua nhà bạn, dọc đường đi mình cứ có cảm giác khó chịu. Mình nghĩ con mình đang bị bạn bè lợi dụng hết lần này đến lần khác và con mình thì vô tư quá, hồn nhiên quá trong cuộc sống này. Bạn của con có trân trọng những sự giúp đỡ của con hay cho rằng con ngu ngốc?

Mình lo nàng sẽ khó mà trụ nổi và sẽ bị tổn thương vào một lúc nào đó. Mình thấy bóng hình mình ngày trẻ trong con, mình sợ nàng sẽ phải chịu những tổn thương mà mình đã chịu.. Mình nghĩ trong lòng nhưng không nói với con ngay, định chờ lúc thích hợp.

Chiều sang đón con về, thấy con cười nói vui vẻ, bỗng mình chợt nhận ra một điều: Chẳng có bạn nào lợi dụng con cả. Con coi việc giúp đỡ bạn bè là niềm vui, bạn nhờ thì con giúp. Việc của con thì con chẳng bao giờ lên tiếng nhờ nên bạn bè không biết để giúp. Con thích như thế và con vui với điều đó. Con sống chân thật và giúp bạn, giúp người, trung thành với tình bạn một cách tự nhiên,…toàn những điều mà mẹ và bà đã dạy con từ nhỏ.

Mình chợt lạnh sống lưng và cảm thấy mừng vì mình đã kềm nén không nói với con những điều tệ hại. Mình suýt chút nữa đã định thò tay bóp chết sự thiện lương chân thật, hồn nhiên vô tư và niềm vui trong con bằng những toan tính “có qua có lại” và nỗi sợ bị lợi dụng của chính mình. Con sẽ nhìn mình bằng một đôi mắt khác, đôi mắt của bối rối và thất vọng.

Mình thật sự mừng vì đã kềm chế đúng lúc. Nếu không thì chính mình sẽ làm con tổn thương và gieo vào trong con sự mâu thuẫn-cái mâu thuẫn nội tại của chính bản thân.

Chuyện đã qua nhiều năm, cho đến giờ, con vẫn hay giúp bạn giúp người và vui, sống ổn, sống đơn giản, không bị tổn thương và mình biết chắc con sẽ không bao giờ bị tổn thương bởi con chẳng bao giờ toan tính suy nghĩ về điều đó.

Chúng ta, những kẻ người lớn, sau khi trải qua những tổn thương trong cuộc sống thì cơ chế phòng vệ đã được bật lên để cảnh giác, đối phó với mọi thứ nhằm tự bảo vệ mình.

Chúng ta để những đức tính tốt đẹp rơi rớt dần, chúng ta thay đổi, cho đến cuối cùng chúng ta đánh mất chính mình mà không hay, lại cứ ngỡ mình khôn ngoan hơn trưởng thành hơn. Tệ hơn nữa là chúng ta muốn gieo những toan tính xấu xa vào đầu con trẻ để buộc chúng phải xấu xí giống mình, nhân danh tình yêu thương.

Học con là cách để tìm lại chính mình, chẳng dễ dàng gì, nhưng đó là việc đúng phải làm. Qua lần đó, mình đã tìm lại được chính mình một phần, hi vọng mình sẽ không để rơi rớt thêm lần nào nữa.

Tg: Nguyễn Thị Bích Ngà


Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *