Trang chủ Blog Những tổn thương bố mẹ thường vô tình gây ra cho con...

    Những tổn thương bố mẹ thường vô tình gây ra cho con P5

    414
    0
    Những tổn thương bố mẹ thường vô tình gây ra cho con

    NHỮNG TỔN THƯƠNG BỐ MẸ THƯỜNG VÔ TÌNH GÂY RA CHO CON

    Bài 5: Tình yêu tử cung.

    Như các bạn biết, khi có thai, phụ nữ mang đứa trẻ lúc mới chỉ là giọt máu trong tử cung, nuôi dưỡng nó phát triển thành hình người trong chín tháng mười ngày rồi sinh nó ra. Cái tử cung là một thành trì nuôi dưỡng, bảo vệ, che chắn đứa trẻ khỏi nhiều tổn thương.

    Người mẹ được ban phú một độc quyền với đứa trẻ trong hơn chín tháng bởi đứa trẻ lúc còn trong bụng hoàn toàn phụ thuộc vào người mẹ từ ăn uống cho đến mạng sống. Sau khi sinh ra, người mẹ mất đi sự độc quyền bởi trẻ không còn phụ thuộc hoàn toàn vào mẹ nữa. Nó đã là một con người khác, hoàn toàn có thể sống sót mà không cần mẹ nữa.

    Đa số phụ nữ Việt sau sinh không chấp nhận được việc đứa trẻ đã là một con người hoàn toàn độc lập với mình. Cho dù họ đã sinh con ra bao nhiêu năm, con có bao nhiêu tuổi đi chăng nữa thì họ vẫn coi nó là đứa trẻ trong tử cung của mình, nghĩa là nó vẫn cần sự bảo vệ, che chắn, chăm sóc, bảo bọc y như lúc ở trong bụng họ. Tôi gọi đó là tình yêu tử cung.

    Cái tình yêu tử cung có phải là một bản năng của đàn bà? Tôi không nghĩ vậy. Tôi cho rằng đó lại là một vòng lặp bệnh lý khác, một lỗi tư duy khác mà người Việt thường gặp.

    Ta thấy, người mẹ sẽ khóc lóc, than thở hoặc quát tháo chửi mắng con mình hoặc tự trách khi nó bị muỗi đốt, té ngã, trầy xước…bất kỳ tổn thương dù nhỏ hay lớn. Họ muốn che chắn bảo bọc cho đứa trẻ như khi nó ở trọng bụng mình: không một tổn thương. Nhưng điều đó là bất khả.

    Đứa trẻ phải bị va chạm, phải chịu đói, chịu đau, phải rét, phải nóng, phải bệnh, phải bẩn, phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ, phải bắt chước, phải học cách để nhận biết, để có thể tự sinh tồn và thành một con người độc lập. Quá trình này là quá trình làm người mẹ đau đớn hơn cả đau đẻ. Bởi họ phải chứng kiến toàn bộ những điều đó mà không thể chịu thay làm thay cho con mình. Họ muốn một điều không tưởng: con lớn nhưng không hoặc ít chịu đựng tổn thương thể xác nhất.

    Từ ý muốn trở thành tư duy, họ cố gắng bảo bọc đứa trẻ theo cách họ bảo vệ nó trong tử cung: ngăn chặn mọi nguy cơ trong khả năng có thể.

    Ta thấy một người bố có thể cho đứa bé ngồi vắt vẻo trên vai mình và xoay vòng vòng cười nắc nẻ, nhưng hầu như không thấy người mẹ làm điều đó. Có phải vì người mẹ không đủ sức để làm điều đó? Không. Chính tình yêu tử cung ngăn người mẹ không làm điều đó vì sợ con rơi, ngã.

    Họ ngăn con trèo cây, ngăn con bơi lội, ngăn con tham gia vào những trò chơi mà họ nghĩ có nguy cơ gặp nguy hiểm, họ ngăn con họ ra đường nếu họ không thể để mắt đến nó. Khi đứa trẻ lớn hơn một chút, họ can thiệp vào mọi việc trong đời sống của nó, họ quyết định mọi thứ và nếu có thể họ làm mọi thứ cho nó.

    Như đã nói ở trên, khi sinh ra, đứa trẻ đã là một con người độc lập. Càng lớn, nó càng ít phụ thuộc và tính độc lập cao hơn, nó sẽ muốn học, muốn bắt chước, muốn trải nghiệm mọi thứ mới mẻ để trưởng thành, hiểu biết. Trong quá trình này, thay vì được giúp đỡ đúng cách từ ba mẹ thì nó lại bị cản trở bởi tình yêu tử cung của ba mẹ theo rất nhiều cách khác nhau.

    Đứa trẻ nào có ý chí sinh tồn kém thì nó sẽ thụ động, chỉ làm những gì được bảo, được cho phép nên nó chỉ có thể biết vừa đủ để tồn tại trong vòng tay an toàn của ba mẹ. Đó là một hình thức thui chột. Nhưng những đứa có ý chí sinh tồn cao, chúng sẽ cãi và lén lút làm tất cả những điều bị cấm.

    Như thế đã hết đâu, những đứa con dù thụ động hay năng động thì đều bị ba mẹ mắng chửi.

    Đứa ngoan ngoãn nghe lời ba mẹ tránh xa mọi nguy cơ gây nguy hiểm thì nó sẽ kém cỏi trong nhiều mặt đời sống khi lớn lên. Nó sợ đủ thứ. Nó ỷ lại. Nó bị mắng chửi là nó làm khổ ba mẹ vì không biết tự lập, lớn rồi còn để ba mẹ phải lo! Nghĩa là đó là lỗi của tự thân nó, ba mẹ chẳng có lỗi gì. Mang nặng đẻ đau mà chẳng được cái tích sự gì.

    Đứa năng động thì bị coi là phá phách nghịch ngợm, gây chuyện, làm xấu hổ làm nhục gia đình khi bị hàng xóm mắng vốn, làm ba mẹ đau lòng vì cãi lời, làm ba mẹ buồn phiền vì không ngoan, hay bị mắng, “mày đủ lông đủ cánh rồi mà nên đâu cần ba mẹ nữa..” Cuối cùng thì vẫn là mang nặng đẻ đau mà chẳng được cái tích sự gì vì vừa lớn là nó đã vù đi mất sống đời sống tự lập. Vẫn là lỗi của nó, ba mẹ chẳng có lỗi gì.

    Và những đứa con luôn luôn là những nỗi thất vọng của ba mẹ, không bao giờ có thể làm cho ba mẹ hài lòng dù nó thụ động hay năng động. Chúng ta thường nghe các ông ba bà mẹ nói chuyện với nhau: “Ôi cái thằng con tôi nó phá như quỷ. Con với chả cái nghịch ngợm và lì lợm, nói chả biết nghe lời. Khổ thân với nó lắm.” Và người khác thì đáp lời, “Thế đã may, thằng con tôi chả biết làm gì, tới giờ cơm vẫn phải bưng hầu nó, nhút nhát lắm, chả biết làm gì. Sau này biết có nuôi nổi thân không. Tôi mới khổ hơn bà..”

    Tình yêu tử cung làm cho ba mẹ chong cửa đợi con dù nó bốn năm chục tuổi. Làm cho ba mẹ cả đời phải bận bịu, bận lòng, không thể hài lòng và không bao giờ có thể cảm thấy an yên hạnh phúc. Nếu nhét chúng trở ngược vào tử cung được thì ba mẹ đã làm để chúng mãi mãi phải phụ thuộc, để ba mẹ mãi mãi được độc quyền với những đứa con mình. Chúng có được yêu một cách đúng nghĩa? Hay chúng rốt cuộc chỉ là những vật sở hữu yêu thích của ba mẹ?

    “Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con” là bởi những đứa con dù bao nhiêu tuổi vẫn là những đứa trẻ về mặt tư duy-chẳng bao giờ có thể trưởng thành, chẳng bao giờ có thể tự tin và chẳng bao giờ có thể sống-chúng chỉ tồn tại.

    Qua bài viết này, tôi khép lại loạt bài Những tổn thương bố mẹ thường vô tình gây ra cho con. Điểm lại, ta thấy ba mẹ Việt mắc hầu hết những lỗi tư duy cơ bản trong năm bài tôi viết. Một đứa trẻ phải chịu một, hai tổn thương là đã khốn khổ rồi, đằng này phải chịu quá nhiều những tổn thương từ lỗi tư duy của người lớn thì khi lớn chúng sẽ hình thành nên con người như thế nào? Nhìn vào xã hội Việt ngày nay thì thấy rõ. Nhìn vào trong chính chúng ta thì thấy rõ. Chúng ta vật vờ tồn tại, mờ nhạt, mọi tính cách đều chẳng thể định hình, mâu thuẫn nội tại, chúng ta không sống đúng nghĩa.

    Các vị ba mẹ có thể biện minh, có thể chống chế, có thể nhân danh tình yêu thương, có thể đổ thừa đủ thứ để không thay đổi tư duy và tiếp tục nuôi dạy con theo cách mà họ được ba mẹ mình nuôi dạy.
    Nhưng tôi hi vọng qua loạt bài trên, một số trong chúng ta sẽ có ý niệm mới để tìm hiểu thêm những cách nuôi dạy, ứng xử khác để phá bỏ cái vòng lặp bệnh lý, để chúng ta có thể yêu thương đúng cách những đứa con mình-những đứa trẻ xứng đáng được yêu thương hạnh phúc chứ không phải chịu đựng những di chứng tổn thương của chính chúng ta.

    Tg: Nguyễn Thị Bích Ngà

    Bài 1: Đổ thừa

    Form điền thông tin liên hệ

    BÌNH LUẬN

    Please enter your comment!
    Please enter your name here