Trang chủ PHƯƠNG PHÁP DẠY CON THÓI CHIA BÈ KẾT PHÁI CỦA NGƯỜI VIỆT

THÓI CHIA BÈ KẾT PHÁI CỦA NGƯỜI VIỆT

361
0

Trước tiên, ta cần làm rõ, chia bè kết phái hoàn toàn khác với tổ chức. Tổ chức là tập hợp những người có cùng tư tưởng, lý tưởng, niềm tin, mục đích, mong muốn và tư duy hành động. Họ kết hợp với nhau thành một nhóm có quy chế hoạt động, có đường lối hành động và có phân chia công việc, đề ra các phương án, kế hoạch cụ thể để thực hiện nhằm đạt đến mục đích chung. Do đó, tổ chức có sự gắn kết chặt chẽ, có tính liên đới, trách nhiệm, tương trợ và trung thành.

Phe phái luôn theo cảm tính yêu ghét hoặc lợi ích cá nhân. Họ kết hợp với nhau vì yêu quý hoặc ghét ai (nhóm) nào đó hoặc ủng hộ, chống đối một quan điểm, ý kiến của người nào đó. Trong công việc, phe phái kết hợp vì lợi ích riêng. Do đó phe phái chỉ có tính ngắn hạn, nhất thời, không có lý tưởng, niềm tin, kế hoạch. Nó dễ dàng bị phá vỡ cấu trúc khi cảm xúc hoặc lợi ích thay đổi.

Ta thấy, người Việt rất sợ tổ chức, một phần do sợ chính quyền, một phần do tính sĩ diện hão của nhân sĩ nên người Việt không muốn tham gia tổ chức. Nhưng người Việt lại rất ưa chuộng tham gia vào việc chia bè kết phái. Thậm chí họ bị lôi cuốn theo do nuông chiều cảm xúc mà không nhận thức được mình đang tham gia vào việc chia bè kết phái.

Ngày nhỏ, tôi thường khốn khổ với đám bạn vì chúng hay cãi nhau. Con Thu giận hờn con Hà, nghỉ chơi. Cả Thu và Hà đều muốn tôi nghỉ chơi với đứa kia. Tôi vẫn chơi với cả hai đứa. Thế là cả hai đứa ghét tôi. Khi chúng làm lành và chơi lại với nhau thì chúng có một điểm chung là cùng ghét tôi nên chúng thân nhau và nghỉ chơi với tôi, dù tôi chẳng có lỗi gì trong chuyện đó cả.

Khi lớn, tôi nghĩ phải khác, nhưng không, người Việt vẫn giữ tính chia bè kết phái trẻ con ấy trong rất nhiều mặt cuộc sống. Tôi thường bị các phe ghét, phán xét tôi “ba phải, không có lập trường quan điểm, lập trường không rõ ràng kiên định…” khi tôi không tham gia vào việc yêu người này ghét người kia bênh người nọ đánh người khác mà thường cố làm dịu, hòa giải.

Ta thấy, trong các cơ quan nhà nước, những người tham nhũng cấu kết với nhau thành phe, ai không tham nhũng sẽ bị đánh bật ra khỏi bộ máy cho dù người đó có tài giỏi trong chuyên môn. Rồi các phe nhóm lợi ích luôn đấu đá nhau.

Trong các công ty tư nhân vẫn gặp tình trạng bè phái vì lợi ích, ăn cắp, trốn việc, lãng công, vùng miền.

Trong các mối quan hệ xã hội thì khủng khiếp hơn vì nó hoàn toàn phụ thuộc vào cảm tính. Chị này ghét anh kia vì một chuyện hiểu sai, chị lôi kéo tất cả những người chị quen biết, cả những người đang thương quý anh kia bằng cách kể một nửa sự thật, bịa đặt đủ điều để tạo thành phe ghét bỏ và cô lập anh ta. Cho dù ai có giải thích, nói đúng hoặc làm gì thì trong mắt phe này thì anh kia vẫn là người không ra gì. Ai lên tiếng nói lời phải trái đều bị phe này đánh giá đồng loại xấu xa như anh kia và thù ghét, sỉ nhục.

Anh này yêu quý cô nọ, anh luôn khen ngợi, coi mọi điều cô nói là đúng, kể cả khi cô sai anh vẫn cố bào chữa và luôn lôi kéo mọi người vào phe yêu quý cô. Khi có ai đó chỉ ra cái sai của cô thì anh và phe yêu quý lập tức bênh vực bất chấp lý lẽ và sỉ nhục ngược lại.

Cả hai phe đều chẳng đem lại lợi ích gì cho ai cả, chỉ gây hại cho chính người được họ yêu hay ghét.

Người có tư duy độc lập, biết phân biệt đúng sai phải trái, biết khen ngợi và nhắc nhở đúng mực rất ít và thường bị các phe làm cho không thể mở miệng vì mở miệng là bị yêu, ghét, phán xét ngay lập tức.

Chia bè kết phái làm cho con người với con người chia rẽ cùng cực, ghét bỏ, thù hằn nhau chỉ vì những điều nhỏ nhặt thay vì yêu thương, chia sẻ, thông cảm, giúp nhau tốt hơn lên mỗi ngày. Khi còn giữ thói chia bè kết phái thì không có hội nhóm nào bền vững, không một tổ chức nào có thể lớn mạnh và không một phong trào tranh đấu nào có thể thành công.

Làm sao để bỏ tính chia bè kết phái?

  1. Học hỏi để thu nạp kiến thức, làm cho bản thân có được sự hiểu biết nhất định để từ đó có thể nhìn nhận vấn đề một cách trung thực, khách quan, suy luận có logic, khoa học.
  2. Con người không thể gạt bỏ hoàn toàn cảm xúc, nhưng không nên vì yêu ghét mà bao che hoặc phủ nhận hoàn toàn một người khác. Ta cần chậm rãi lại trong suy nghĩ khi tiếp nhận thông tin về một việc, một người nào đó. Trước khi phán xét ai đó, ta cần đặt câu hỏi cho bản thân có phải vì mình ghét họ nên mình vội nghĩ họ sai không? Hay trước khi bênh vực một ai ta cũng đặt câu hỏi người này đã nói, viết đúng chưa, đúng sai như thế nào?
  3. Luôn đặt sự thật lên trên tôn giáo, tín ngưỡng, cảm xúc và cả bản thân. Có thế thì ta mới có thể học cách trở thành người công chính, tự chủ, độc lập và tự do trong tư duy.

Tác giả: Nguyễn Thị Bích Ngà

Form điền thông tin liên hệ

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here