DẠY CON BIẾT XẤU HỔ

Hồi nhỏ, tôi mê đọc. Vì cái tật mê đọc mà đôi khi bỏ quên những công việc lặt vặt mẹ dặn làm như quét nhà, rửa chén. Mẹ đi làm về, thấy con gái nhỏ ngồi ôm cuốn sách, công việc dặn nó vẫn còn y thinh, hôm nào mẹ vui thì mẹ im lặng dọn, hôm nào bực bội thì vừa dọn vừa cằn nhằn. Phần tôi, khi thấy mẹ bắt đầu lích kích quét nhà hay rửa chén thì sực nhớ đó là phần việc của mình, ngay lập tức một cảm giác xấu hổ xâm chiếm làm mặt tôi sượng trân. Tôi liền sửa sai bằng cách bỏ ngay cuốn sách, chạy lại bên mẹ, cười cầu hòa, giành, “Mẹ để con làm. Con xin lỗi mẹ, mẹ dặn mà con quên.” Mẹ đưa lại cây chổi, mắng yêu, “Ham đọc sách cho lắm vào rồi sau này lớn khổ!” (!?)

Đó là nỗi xấu hổ khi không làm tròn trách nhiệm được giao phó.Mẹ dặn cách cho hơn của cho, nên khi muốn cho bất kỳ ai cái gì bà đều tự tay hoặc bảo anh em chúng tôi đem đến tận nhà họ. Nghèo, nên đôi khi của cho chỉ là tô canh cua, miếng cá kho, manh áo cũ… nhưng bà luôn chu đáo. Tô canh phải được múc gọn gàng, ngon lành, sạch sẽ, đặt trên cái dĩa, cho vào mâm, rồi mới bưng đem cho. Cái áo cũ phải giặt sạch, xếp gọn gàng. Tôi nhận thấy bà rất ít khi dùng từ cho, thay vào đó là từ biếu, tặng, gởi. Cho đã cẩn thận, nhận càng cẩn thận hơn, bà dạy chúng tôi không được phép dễ dàng xòe tay nhận của ai bất cứ cái gì. Trẻ con thời thiếu thốn, thèm bánh kẹo chảy nước miếng, lắm lúc đói, nhưng không bao giờ anh em chúng tôi ăn cơm nhà người khác. Thấy nhà người ta chuẩn bị dọn cơm là đứng dậy xin phép đi về. Chơi trong xóm, ai ngoắc lại cho cái bánh cái kẹo hay trái cây gì cũng khoanh tay cảm ơn nhưng không nhận. Ai muốn cho cái gì dù nhỏ cũng phải đem qua nhà, ba mẹ cho nhận mới được nhận. Hồi P. con gái tôi còn nhỏ, một lần con xòe tay nhận miếng dưa hấu cắn dở của một người hàng xóm, tôi đã dắt con về nhà và quất một roi rớm máu. Đó là lần duy nhất tôi đánh con.

Dạy con cách cho là dạy con cách tôn trọng người khác. Dạy con cách nhận là dạy con về lòng tự trọng. Một con người, dù sinh ra ở đâu, nghèo hay giàu, lành lặn hay khuyết tật, bất kể màu da, đều có phẩm giá và nhất thiết phải được tôn trọng phẩm giá. Dạy con cách cho để con biết rằng vật chất dù ít hay nhiều cũng đều không thể nào được đặt trên hay ngang hàng với phẩm giá con người. Khi trao cho ai một vật gì đó, cần cẩn trọng không làm tổn thương phẩm giá của người được nhận.

Ngược lại, khi ta ở hoàn cảnh là người được nhận, cũng chú ý giữ gìn phẩm giá của mình, không phải cái gì cũng nhận và kiểu gì cũng nhận, ai cho cũng nhận. Phải biết xấu hổ khi vô tình xúc phạm phẩm giá của người hoặc bị người xúc phạm phẩm giá.

Mẹ dạy làm gì cũng phải biết nghĩ đến xung quanh, quét cái sân phải quét luôn lối đi, quét luôn lối đi cho nhà hàng xóm. Hôm nào ham chơi chỉ quét sân nhà mình kệ lối đi nhà hàng xóm, sau đó thấy hàng xóm quét cho cả lối đi nhà mình thì phải biết xấu hổ vì đã không làm việc cần làm. Đó là nỗi xấu hổ vì đã ích kỷ chỉ biết bản thân.

Xấu hổ là một trạng thái tâm lý diễn ra khi ta tự thừa nhận và trừng phạt bản thân vì một điều gì đó sai. Đây là sự tự ý thức. Ý thức này giúp chúng ta cố gắng làm điều đúng, tránh làm điều sai hoặc cố gắng sửa sai. Một người biết xấu hổ sẽ tự dằn vặt, tìm cách sửa lỗi và cố gắng để không vi phạm.

Một người không biết xấu hổ sẽ không tránh điều sai, khi làm sai thì không có ý muốn sửa sai. Một đứa con biết xấu hổ, ba mẹ có thể yên tâm nó sẽ là đứa nên người và cho dù có va vấp thì nó sẽ luôn biết cách đứng lên, sửa sai và luôn cố gắng làm người có nhân phẩm.

Ta thấy, trong xã hội mình hiện nay, có rất đông người làm sai và ngụy biện, che đậy bằng những nhân danh, thậm chí ngang nhiên làm sai và cho rằng đó là điều đương nhiên, bình thường. Một xã hội có nhiều quan chức tham nhũng và rất đông người dân không biết xấu hổ là gì, nên chúng ta cứ mãi chấp nhận nước mình là nước “đang phát triển” và đi ăn mày khắp nơi. Những nỗi xấu hổ nhỏ bé tự thân mà còn không có thì làm sao chúng ta có thể biết đến nỗi xấu hổ lớn hơn: đất nước, dân tộc ?

Một người chạy xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, chạy thoát không bị công an thổi phạt, về nhà kể câu chuyện như một chiến tích và hả hê vì chạy thoát. Anh ta không cảm thấy xấu hổ vì làm sai, gia đình anh ta mừng vì anh ta không mất khoản tiền đóng phạt, chẳng ai nói cho anh ta biết anh ta cần phải thấy xấu hổ vì việc đó. Thì con người đó một ngày nào đó sẽ không thấy xấu hổ khi rút ruột công trình xây dựng dù làm cho nhà nước hay tư nhân.

Một người nông dân phun thuốc tăng trưởng vào rau củ quả, không thấy xấu hổ vì mình đang ăn gian, mà vui mừng vì có thể nhanh thu hoạch hơn người, thì anh nuôi lợn cũng sẽ không thấy xấu hổ khi bán thịt lợn tăng trọng cho người trồng rau. Xã hội là những mắt xích nối liền nhau, thành phần này luôn ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp lên thành phần khác tạo ra phản ứng dây chuyền. Ta kêu gào người khác làm sai, ta cần nhìn lại mình cũng đã sai ở đâu đó. Xã hội ngày càng tệ đi là do người biết xấu hổ ngày càng ít ỏi. Người không biết xấu hổ có phải là thành phần chỉ hưởng lợi ? Không. Họ cũng là nạn nhân của những kẻ không biết xấu hổ khác.

Trong một xã hội mà các giá trị bị đảo lộn như hiện nay, việc biết xấu hổ là một cản trở con người đến với lợi ích trước mắt, nên người ta không còn chú trọng việc dạy con biết xấu hổ. Nhưng muốn xã hội thay đổi, trước tiên, con người cần thay đổi nhận thức, bắt đầu từ việc phải tự biết xấu hổ và dạy con biết xấu hổ. Khi con người biết xấu hổ thì mới biết quý trọng phẩm giá, mới biết giữ gìn. Khi biết quý trọng phẩm giá của mình thì mới biết thế nào là phẩm giá của một dân tộc, đất nước. Từ đó mới biết đấu tranh để giữ gìn phẩm giá cho mình và làm việc để gầy dựng lại phẩm giá dân tộc.Chúng ta không được quyền lựa chọn đất nước mình sinh ra, nhưng chúng ta hoàn toàn có quyền quyết định sống như thế nào và thay đổi đất nước ra sao. Thế hệ con cháu có khá được hay không là ở trách nhiệm của những người làm cha mẹ hôm nay. Hãy bắt đầu từ việc nhỏ nhất.

Tác giả: Nguyễn Thị Bích Ngà


Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *