DẠY CON TRỞ THÀNH NGƯỜI TINH TẾ

Có bạn cho rằng sự tinh tế là đặc tính của nữ giới, nam giới thì cần những tính cách khác. Liệu nam giới có nên học sự tinh tế không? Đây là câu hỏi khá thú vị. Mình cho rằng cả nam và nữ giới đều cần học để trở thành người tinh tế và phải học từ nhỏ.

Tinh tế là một đức tính cần thiết cho mọi người, không phân biệt nam nữ tuổi tác. Người tinh tế sẽ rất nhạy cảm trong nắm bắt tâm lý người khác: dễ dàng trong giao tiếp, hài hòa trong cư xử và thuận lợi trong công việc. Người tinh tế luôn cảm nhận mọi vấn đề một cách sâu sắc, biết quan tâm người khác, do đó khó có thể làm điều xấu. Một xã hội có nhiều người tinh tế thì sẽ ít đâm chém nhau vì hiểu lầm, ít những va chạm vụn vặt, ít bất công, văn minh, lịch sự và phát triển.

Tại sao nam giới cũng cần học sự tinh tế? Vì họ là một nửa thế giới, nếu chỉ nữ giới cần sự tinh tế, nam giới không cần, thì nữ giới sẽ trở thành nô lệ vì sự tinh tế của mình, còn nam giới trở thành những kẻ hưởng thụ, lợi dụng sự tinh tế của nữ giới. Mâu thuẫn nảy sinh, chiến tranh nổ ra chẳng hạn…

Làm sao để dạy con sự tinh tế từ nhỏ?

Ta không thể bảo đứa trẻ ngồi rồi đọc cho nó nghe tinh tế là gì, tại sao phải học sự tinh tế, tinh tế đem lại lợi ích gì, v.v.. bởi như thế là học vẹt, con trẻ sẽ không nhớ và không hiểu gì cả. Dạy con sự tinh tế phải từ những việc nhỏ và thông qua cách ta cư xử hằng ngày để con nhìn vào. Nó phải được ngấm dần qua lời dạy và việc làm cụ thể.

Khi trẻ đi học về, ta hỏi trẻ về thầy cô và các bạn trong lớp. Khuyến khích trẻ kể chuyện ở lớp và về bạn này bạn kia. Nếu trẻ không biết, hãy khuyến khích trẻ quan sát. Điều này giúp trẻ biết để ý đến người xung quanh. Cháu mình kể, “Hôm nay bạn Nam lấy đồ chơi của con.” “Ừa, trước đó bạn có hỏi mượn con không?” “Dạ có.” “Con có cho bạn mượn không?” “Con không.” “Sao con hổng cho bạn chơi chung?” Im lặng không trả lời. Mình tiếp, “Con sợ bạn Nam làm hư đồ chơi ha?” “Dạ.” “Bạn Nam có món gì để chơi hông? Có cho con chơi chung hông?” Lí nhí, “Có.” “Nam dễ thương hén, Nam lịch sự nữa, Nam yêu thương quý mến con nên cho con chơi chung. Con có muốn dễ thương lịch sự như Nam hông?” “Nhưng bạn Nam lấy đồ chơi của con.” “Thì bạn Nam mượn rồi mà con hổng cho, bạn Nam thích quá nên mượn đại xíu trả mờ. Lần sau con cho bạn Nam chơi chung, yêu thương quý mến bạn Nam thì bạn sẽ không lấy đại nữa. Mình lịch sự mà, phải hông?” “Dạ.” Từ những câu chuyện kể, ta khéo léo gợi ý cho trẻ nói chuyện, hướng dẫn trẻ có suy nghĩ và hành vi quan tâm đến người khác. Trẻ sẽ hiểu chuyện nhỏ và sau này khi lớn lên sẽ hiểu chuyện lớn, biết cách cư xử tinh tế.

Có lần, chị dâu tôi mua về hai cái bánh, chị định chia cho tụi nhỏ thì anh trai tôi hỏi, “Em, nhà có ba đứa nhỏ mà sao em mua hai cái bánh?” “Em muốn mua ba cái nhưng họ hết, còn có hai thôi.” “Ừ, vậy thì thôi đừng mua. Mua rồi thì em và mẹ ăn đi, chứ có hai đứa con mình và một đứa cháu mà có hai cái bánh, lại không chia ra được, thì đứa nào phải nhịn cũng tủi thân.” Hành động và lời nói của anh tôi làm con gái tôi tuy còn nhỏ nhưng nhớ mãi tới giờ và thương yêu cậu vì sự tinh tế của cậu.

Nhà tôi mỗi khi ai đi ra ngoài ăn uống gì thấy ngon đều mua phần đem về cho người ở nhà. Anh bạn thân của tôi có lần đi vườn, khui trái sầu riêng ăn một múi thấy ngon quá, anh bảo bỏ hộp đem về.

Người khác thấy vậy hỏi, “Kêu ngon sao không ăn hết đi mà để dành?” Anh bảo, “Đem về cho con Voi.” “Ôi, vườn đầy mà, mua trái khác cho nó.” “Ừ, biết rồi, nhưng biết đâu trái khác không ngon bằng trái này. Mình khui trái khác ăn, trái này để dành đem về cho nó.” Với anh bạn này, tôi và anh có thể sống chết vì nhau.

Tôi kể vài trường hợp thực tế để thấy sự tinh tế luôn bắt nguồn từ tình yêu thương. Khi ta có tình yêu thương trong tâm hồn thì ngay cả người vụng về cũng sẽ học hỏi được cách quan tâm tinh tế nhất.

Trong những bài viết về dạy trẻ học ăn, học nói, học vệ sinh, học đi học đứng, học chia sẻ… tôi viết trong thời gian qua, đều là những bài học để gây dựng nên sự tinh tế cho trẻ.

Ngoài ra, trẻ nhìn thấy rằng: mẹ không cần đợi bố kêu, tự pha cho bố ly nước cam khi bố làm việc mệt; hoặc bố không đợi mẹ nhờ mà tự giành phần nấu cơm khi mẹ không khỏe. Thành viên trong nhà khi đi chơi đâu xa cũng nhớ đến người ở nhà và mua về những món quà nho nhỏ xinh xinh hợp ý… đều là bài học trực quan về sự tinh tế.

Làm sao để có thể chọn quà hợp ý người khác? Mẹ mình mặc cái áo rách vai lâu lắm rồi, phải biết mẹ sẽ thích lắm khi mình mua tặng mẹ cái áo mới thay vì tặng bó hoa. Bố sẽ ưng bụng khi con biết chọn mua loại rượu mà mình thích hơn là mua loại rượu đắt tiền mà không thích. Ngay từ nhỏ, cần phải dạy con quan sát, để ý thì con sẽ biết những điều đó.

Trẻ sẽ khó có thể học được sự tinh tế khi mẹ luôn bày bừa để bố dọn dẹp. Trẻ sẽ không có được sự tinh tế khi bố mẹ không quan tâm đến thể trạng và cảm xúc của nhau, luôn trách móc chỉ trích chì chiết nhau.

Trẻ sẽ không thể trở thành người tinh tế nếu trong cách giáo dục hằng ngày ta không dạy trẻ quan sát, để ý cảm xúc người xung quanh, không chia sẻ về vật chất lẫn hỏi han. Thậm chí trẻ sẽ trở thành người ích kỷ nếu ta cư xử và ăn nói có tính đố kỵ, ghen ghét người xung quanh.

Với người ngoài, ta cũng cần dạy trẻ biết quan sát và để ý, quan tâm đúng mực. Dạy trẻ giúp đỡ người cơ nhỡ thì phải giải thích cho trẻ hiểu người ta bất đắc dĩ mới lâm cảnh bần hàn, không được khinh miệt. Khi giúp ai thì ngoài tình yêu thương còn là sự tôn trọng chứ không được có thái độ, lời nói bỉ bôi người. Trao tiền cho người ăn mày cũng phải đưa hai tay và nói lời dễ nghe chứ không phải vứt toạch đồng tiền vào mũ.

Cứ thế, qua mỗi ngày mỗi việc, trẻ sẽ được ngấm dần sự tinh tế cho đến lớn. Và cho dù cuộc đời trẻ có ra sao thì sự tinh tế ấy vẫn theo trẻ suốt đời không bao giờ mất đi.

Những quan tâm, chia sẻ, trao đổi thường nhật với tình yêu vô điều kiện luôn là nền tảng tốt để một đứa trẻ phát triển toàn diện về nhân cách, trong đó có sự tinh tế. Muốn làm được điều này, bố mẹ cần nhìn lại mình, học để thay đổi.

Tác giả: Nguyễn Thị Bích Ngà


Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *