Trang chủ Blog Làm thế nào để kiểm soát cơn giận khi dạy con?

Làm thế nào để kiểm soát cơn giận khi dạy con?

392
0
nền tảng giáo dục gia đình

NỀN TẢNG GIÁO DỤC GIA ĐÌNH

Làm thế nào để kiểm soát cơn giận khi dạy con?

Làm bố mẹ là một bước ngoặc lớn trong đời người, có người có sự chuẩn bị cho điều đó, có người không. Người Việt mình đa phần ỷ y, cái gì tới nó tới và cứ đẻ cứ nuôi theo sự hiểu biết đơn giản. Con có sữa bú, có cơm ăn, áo mặc, có đi học và thành người lớn là tạm ổn. Bởi chỉ để lo được những điều đơn giản như thế cũng đã quá mệt cho bố mẹ Việt rồi. Họ phải mất quá nhiều thời gian vào việc kiếm tiền, ít còn thời gian và tâm trí để dạy con, chơi với con và quan tâm chúng về mặt tinh thần, nên ít người chú ý học cách dạy trẻ và suy nghĩ về những điều sâu xa hơn như phương pháp dạy, cái cần tránh, cái nên làm..

Từ bé, trẻ không được quan tâm, hướng dẫn đúng cách một cách kiên trì của ba mẹ thì mỗi ngày nó lớn thêm là một ngày làm bố mẹ mệt thêm một chút.

Ba mẹ không biết cách dạy con về cách thức tổ chức cuộc sống thì:

Trẻ sẽ không ngồi ăn đúng giờ, nó sẽ chạy lòng vòng và ba mẹ thì bưng chén cơm chạy theo sau như trò rượt đuổi. Trò này ban đầu nhìn có vẻ thấy vui, nhưng sau một năm rượt đuổi thì ai cũng sẽ đuối và bắt đầu quát, đánh, đè ngửa trẻ ra mà nhét thức ăn vào cho xong.

Trẻ sẽ không biết dọn dẹp đồ chơi sau khi chơi xong, ba mẹ phải dọn và sau vài lần dọn sẽ bắt đầu la mắng, quát tháo, đánh trẻ.

Việc học của trẻ cũng vậy, chúng sẽ không học bài đúng giờ, thậm chí không muốn học, kéo dài thời gian học, thời gian ăn, không tập trung, lười, ỷ lại…mỗi ngày thêm những rắc rối phát sinh..

Trẻ sẽ không biết để ý đến cảm xúc của người khác vì đã quen được là trung tâm. Bạn mới lau nhà xong, trẻ sẽ cứ thế đi giày bẩn vào nhà mà không quan tâm đến nhà sạch hay bẩn, mẹ mới lau hay chưa. Mọi thứ đều lộn xộn, mọi việc đều rối tinh.

Rồi trẻ bỏ học, trẻ cãi lời, mê game,… Bố mẹ vẫn chỉ biết mỗi cách đánh, quát, trừng trị.
Đầy người cảm thấy bất lực nên quay ra cậy nhờ tới thầy cô, “Cháu nó hư nhờ thầy cô cứ nghiêm khắc với cháu, trăm sự nhờ thầy cô.” Nghĩa là họ đẩy trách nhiệm dạy bảo cho người khác trong tình huống bất lực. Có mấy người hiểu rằng con như thế đó là do lỗi của chính mình? Có mấy người dũng cảm nhìn nhận mình đã là ông bố bà mẹ rất tệ? Đa phần sẽ đổ thừa tại cuộc sống, tại kiếm tiền, tại hoàn cảnh, thậm chí tại trời sinh tính…toàn lý do chính đáng cả.

Nhưng, cái sự chính đáng ấy không làm cho những rắc rối biến mất, khi và chỉ khi nhận ra đó là lỗi của mình thì mọi việc mới trở nên thông suốt hơn bởi chỉ khi đó ta mới học cách điều chỉnh bản thân và dạy lại cho trẻ từ đầu. Chậm còn hơn không.

Một số bạn sau khi đọc loạt bài tôi viết về dạy con, về những tổn thương ba mẹ nên tránh cho con, đã nhắn tin chia sẻ và bảo biết là không nên đánh trẻ, cáu với trẻ nhưng khó quá. Lúc nào đang gặp chuyện ức chế mà con hư thì khó mà tránh được quát mắng, đánh đòn. Làm sao để kiểm soát những cơn giận đó?

Như phần trên tôi đã phân tích, mình phải nhận ra đó là lỗi của mình ngay từ đầu đã không yêu thương, dạy bảo con đúng cách. Những hành xử sai của con trong thời điểm hiện tại là hậu quả của phương pháp dạy sai của chính mình. Mình phải chấp nhận điều đó và cố gắng sửa để thay đổi cho tương lai. Khi nghĩ như thế, những lỗi con gây ra sẽ được bạn nhìn nhận một cách thấu hiểu, bao dung hơn, cơn giận sẽ nhanh qua hơn.

Người ta giận, bực, sử dụng roi vọt khi người ta cảm thấy bất lực, không hiểu cái gì đang diễn ra và không biết cách giải quyết nào khác. Nhưng khi hiểu thấu vấn đề, biết có nhiều giải pháp để xử lý tình huống chứ không chỉ một, ta sẽ dễ kềm chế bản thân hơn.

Bạn mình có con trong độ tuổi mới lớn, con mê game, học lực tàng tàng, hay đi học muộn, lười, hay ỷ lại, thỉnh thoảng nói dối, hãy cãi, cẩu thả… Lúc trước bạn hay đánh con mỗi khi con hư. Nhưng, sau này bạn thay đổi phương pháp, không đánh con nữa, nói chuyện nhiều hơn, thường xuyên động viên khi con làm điều đúng. Bớt chỉ trích khi con làm sai nhưng phân tích cho con hiểu điều sai gây ra hậu quả gì. Cùng trao đổi để con tự đưa ra hình phạt cho chính mình khi con làm sai.

Thỉnh thoảng, có lúc bạn cũng không kềm chế được, cáu gắt, nhưng sau đó bạn nói chuyện với con và xin lỗi vì đã cáu gắt. Cho đến giờ, mọi việc dần dần xuôi theo chiều hướng tích cực. Nhưng điều này cần sự duy trì trong một thời gian dài, liên tục và bền bỉ thì trẻ mới sửa được hành vi. Con học, bố mẹ học là vậy.

Lúc tức giận, cáu bực bạn hãy đi ra ngoài, đừng nói gì vội. Hãy để thời gian làm cho cơn giận qua đi rồi hẵng nói chuyện với con. Đừng để cơn giận kiểm soát bạn bởi khi giận thì lời nói sẽ cay nghiệt gây tổn thương hoặc đòn roi sẽ dễ dàng quật xuống người đứa trẻ. Hãy luôn nhớ đó là điều hoàn toàn sai, không thể biện minh bằng bất cứ lý do gì. Và lỡ nếu điều đó xảy ra, hãy dũng cảm xin lỗi con và nói chuyện sau đó để trẻ hiểu.

Một điều nữa, bố mẹ Việt cứ giả vờ, dối mình dối người rằng mối liên hệ huyết thống là sợi dây ràng buộc chắc chắn nên họ ỷ lại dù sao thì bố mẹ vẫn yêu con và dù sao thì con vẫn yêu bố mẹ, do đó họ hành xử rất tệ với nhau! Mâu thuẫn đúng không? Đó là thực tế. Và cần thay đổi nó. Con cái là tình yêu của bố mẹ, đương nhiên, nhưng khi bố mẹ không dạy con đúng cách, con hư nhiều, hư mãi thì tình yêu bị bào mòn, chỉ còn lại trách nhiệm. Con bị đánh chửi, chỉ trích, sỉ nhục nhiều quá thì tình yêu của con dành cho bố mẹ cũng hư hao. Cả hai phía đều bị tổn thương dù có nhận ra hay không.

Tôi biết không hề dễ dàng gì khi thay đổi bản thân và thay đổi một đứa trẻ. Nhưng đó là điều đúng phải làm nếu bạn muốn tương lai của con và của chính bạn không tệ hơn.

Tác giả: Nguyễn Thị Bích Ngà

Form điền thông tin liên hệ

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here