Trang chủ PHƯƠNG PHÁP DẠY CON THÓI HÁO THẮNG

THÓI HÁO THẮNG

377
0

“Chẳng cần lợi lộc gì cho to tát, chỉ cần một chút máu háo thắng trong người, là người ta đã dễ dàng bị ma quỷ xỏ mũi. Mà cả cái nền văn hoá giáo dục Việt Nam, xưa nay, cứ cố tình nuôi dưỡng và cổ xuý cho cái máu háo thắng như thế…”

Nguyễn Hưng

Sáng nay, đọc status ngắn của anh Hưng, tôi bị ám ảnh, suy ngẫm về tính háo thắng của người Việt mình. Háo thắng là gì? Từ đâu chúng ta có tính háo thắng? Nó gây hại ra sao? Có thể thay đổi được không?

Háo thắng là lúc nào cũng muốn thắng, muốn hơn người. Háo thắng xuất phát từ bản năng tồn tại của con người và muốn vượt lên trên một cách thái quá.

Có nhiều dạng tâm lý dẫn đến con người có hành vi háo thắng, tựu chung có hai dạng chính:

  1. Là những người được sinh ra khỏe mạnh về thể chất và được bảo bọc quá đáng, được yêu thương bằng “tình yêu tử cung”. Những người này không hề nếm mùi của sự bất hạnh, nghèo khổ, thiếu thốn, mỗi khi va vấp đều được gia đình đứng ra nâng đỡ hỗ trợ mọi thứ nên họ tự cho mình cái quyền có tiếng nói, địa vị hơn người, sinh ra hành vi khinh thường người khác xung quanh. Họ không biết chia sẻ, sống vô cảm với nỗi đau của người khác và thờ ơ với xã hội, chỉ biết và cho rằng mình là trung tâm của vũ trụ. Khi không được đáp ứng, thỏa mãn, họ sẽ trở nên hung hăng, oán ghét và hại người để bản thân trở nên vượt trội.
  2. Là những người mang mặc cảm về thể chất, hoàn cảnh sống và muốn vươn lên bằng mọi cách. Họ học cách ăn nói, lối sống của nhóm 1, tạo cho bản thân sự ảo tưởng để gia nhập vào tầng lớp những người ở nhóm tự cho rằng mình hơn người.

Thông qua giáo dục đúng cách, con người biết cách kềm chế tính háo thắng để sống hòa đồng trong cộng đồng. Ngược lại, giáo dục sai cách sẽ khiến con người bộc lộ tính háo thắng trong mọi lĩnh vực, điều này gây hại cho chính bản thân người háo thắng và cộng đồng, xã hội.

Giờ, ta thử điểm qua vài nét về giáo dục xưa nay của mình xem nó ra sao.

Hồi nhỏ, đọc những mẩu chuyện Trạng Quỳnh, tôi cứ thắc mắc hoài tại sao một người như thế lại nổi tiếng và được ca tụng là tài giỏi và truyền đời học hỏi? Trong khi người ta chăm chút để vẽ con rồng ra con rồng bằng tài năng khéo léo, vẽ nhanh của họ thì Trạng lại ăn gian nhúng mười ngón tay vào mực nguệch ngoạc và cho rằng mình vẽ được mười con “rồng đất” thắng người kia chỉ vẽ được mỗi một con. Cái tính háo thắng làm Trạng chơi ăn gian, chơi bẩn mà vẫn dương dương tự đắc là mình hơn người, không hề thấy xấu hổ vì cách chơi xấu của bản thân.

Xuyên suốt những câu chuyện về Trạng Quỳnh, ta luôn thấy ông ta vận dụng trí khôn lỏi (tôi không gọi là thông minh) để ăn gian, chơi bẩn, chơi xấu, chơi trên đầu người khác hòng chứng tỏ bản thân hơn người, chẳng đem lại bài học nhân văn nào cho con người. Cho đến chết cái tính háo thắng của ông ta cũng vẫn không hết, ông làm cho kẻ hại mình phải chết theo mới hả dạ. Ấy vậy mà, chuyện về Trạng là những mẩu chuyện được coi là thông minh, dí dỏm và đáng học hỏi, cho đến tận bây giờ. Và không chỉ có Trạng Quỳnh mới thế, ta có thể bắt gặp những chuyện tương tự như vậy ở trong nhiều câu chuyện cổ tích, giai thoại, văn học khác.

Xưa đã thế, trong cuộc sống hiện đại, con người ngày càng bộc lộ tính háo thắng nhiều hơn. Cũng phải thôi. Sự giáo dục tư tưởng “đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác” là một sự háo thắng từ ngay trong chính những câu tuyên ngôn. Và sự háo thắng còn thể hiện thông qua các chính sách, nghị quyết, đưa vào giáo dục, đời sống xã hội. Tất yếu con người trong một xã hội có “truyền thống” như vậy sẽ không thể không bị ảnh hưởng.

Xã hội Việt Nam ngày càng phân hóa và chia làm hai nhóm người giàu nghèo rõ rệt, điểm chung là đều mang trong mình tâm lý háo thắng. Dù dạng nào, cái háo thắng ở người Việt, thường xuyên chỉ khôn lỏi kiểu Trạng Quỳnh hoặc kiểu bị nhồi sọ là hết.

Nhà hàng xóm xây hai tầng vì nhà họ đông người, nhà mình cũng cố hai tầng cộng thêm cái tum cho cao hơn chút chỉ để thỏa mãn tính háo thắng chứ chẳng ai ở, lãng phí, thậm chí còn gây nợ. Vợ chồng với nhau vẫn để tính háo thắng lấn át tình cảm, hơn thua nhau từng lời nói để cố chứng tỏ mình hơn. Cư xử với cộng đồng thì luôn tranh hơn từ chuyện xếp hàng cho đến giành chỗ tốt, hơn thua ngay cả trong cái ăn cái uống.

Trên mạng xã hội thì người ta thường hung hăng thể hiện cái tôi duy nhất đúng, dùng lối ngụy biện để tấn công cá nhân người khác. Các cuộc thảo luận thường không mang tính thảo luận mà rất dễ nhanh chóng rơi vào trạng thái căng thẳng chỉ vì người ta để cho tính háo thắng lấn át lý trí, không phân biệt đúng sai, không công nhận cái lý đúng của người. Người ta thường quy chụp ý kiến phản biện hoặc chất vấn thành ý kiến chống đối hoặc phá hoại, hoặc thậm chí cho rằng người ta ngu nên ngay lập tức nhảy dựng lên và phản ứng lại rất gay gắt hoặc mỉa mai.

Làm việc trong một tập thể, thấy người ta giỏi hơn mình thì không cố gắng học hỏi để vươn lên mà lại quay ra cố gắng nói xấu, gây hại, cô lập người giỏi đó để họ không có điều kiện phát triển và mình thì nhướng mày tự đắc hả hê. Cuối cùng cả mình và người đều thiệt, chẳng có lợi gì cho ai mà còn hại cho việc chung rất lớn. Ngay trong những người mong muốn thay đổi xã hội cũng có hiện tượng này, và thẳng thắn thừa nhận rằng nó không hề ít.

Kiến thức là vô hạn, con người không ai giỏi toàn diện tất cả mọi mặt. Tôi có thể hơn anh điểm này nhưng thua anh điểm khác. Anh hơn chị mặt này nhưng thua chị mặt kia. Nếu ta được giáo dục để nhận biết điều này thì ắt sẽ có tính khiêm cung và biết cách hợp tác để làm việc cùng nhau hòng tạo ra giá trị tốt nhất cho công việc chung, trong đó có lợi ích của chính mình và cả của người. Ngược lại, trong một tập thể, cộng đồng mà không ai công nhận ai, ai cũng cho rằng mình giỏi hơn người thì xã hội đó sẽ đi thụt lùi về con số âm trong mọi mặt đời sống từ chính trị đến kinh tế, văn hóa, đạo đức.

Tôi thường đưa ra giải pháp cho vấn đề hoặc cách sửa tính xấu mỗi khi viết về một tính xấu nào đó trong loạt bài này. Nhưng, riêng trong bài này, tôi không đưa ra cách khắc phục nào, bởi qua nhiều chuyện cay đắng, tôi nhận ra rằng, đó là điều ngoài khả năng mình. Viết ra chỉ để mỗi chúng ta tự suy ngẫm về chính mình, tự nhận biết và tự khắc phục.

Tác giả: Nguyễn Thị Bích Ngà

Form điền thông tin liên hệ

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here