Trang chủ Blog Di chứng tổn thương và vòng lặp bệnh lý

    Di chứng tổn thương và vòng lặp bệnh lý

    469
    0
    Những tổn thương bố mẹ thường vô tình gây ra cho con

    DI CHỨNG TỔN THƯƠNG VÀ VÒNG LẶP BỆNH LÝ

    Ngày mình còn nhỏ, mình hay bị ăn đòn nhất nhà vì những lỗi lặt vặt. Nhà mình “văn minh” hơn nhà hàng xóm vì khi đánh, mẹ bắt nằm sấp trên giường, kể tội, xong hỏi tội này chịu bao nhiêu roi, xong đánh, tiếp tục quỳ gối khoanh tay thẳng lưng để sám hối một lúc lâu cho nhớ tội, xin lỗi hứa không tái phạm rồi mới được tha. Mình thường ngủ gật lúc quỳ gối nên nuốt luôn lời hứa, thành ra cứ lặp lại lỗi cộng thêm tội mới, lại ăn đòn, lại quỳ gối…

    Nói nhà mình “văn minh” hơn nhà hàng xóm là bởi mẹ chỉ đánh roi vào mông chứ không bạ đâu quất đấy như các ông bố bà mẹ khác. Ngày đó mình nhỏ xíu, nhưng những trận đòn mà thằng Lâm và cái Thu bạn mình phải chịu thì mình nhớ như in tới giờ.

    Nhà thằng Lâm nghèo lắm, nghèo quá nhà mình. Quanh năm nó chỉ có cháo với khoai và chuối già nấu, chỉ cơm ba ngày tết. Thỉnh thoảng mình hay cạy cho nó miếng cháy khi nó rủ mình đi câu cá bắt cua, việc mà mẹ mình cấm vì sợ mình chết đuối, trong khi mình đã biết bơi từ lâu. Trốn lén đi vì muốn câu cá, bắt cua về cho mẹ. Ý định tốt nhưng thường chẳng câu được mấy cá, cua. Có ít ít, thằng Lâm toàn trút vào cái thau bé cho mình vì nó nghĩ nếu mình có cái đem về thì sẽ tránh được đòn. Mẹ đánh tất kể cả khi có cá hay không.

    Thằng Lâm hay bị đòn vì bị hàng xóm méc ba mẹ nó chuyện này chuyện nọ. Một lần, mẹ mắng vốn ba thằng Lâm vì cái tội nó rủ mình đi bắt cua. Ba thằng Lâm dạ dạ thưa thưa bảo sẽ về dạy con. Sau đó, mình bị ăn ba roi nhưng mình không khóc như mọi khi vì mình nghe tiếng thằng Lâm gào thảm thiết. Nhà nó cách nhà mình một đoạn xa nhưng mình vẫn nghe tiếng thét của nó. Mẹ mình cũng nghe.

    Thằng Lâm bị ba nó trói tay quặt ra sau lưng, trói chân, treo ngược lên xà nhà, rồi ba nó dùng đòn gánh quất tá lả vô người nó. Mẹ nghe nó thét, chạy qua can, nói mãi ba nó mới thả nó xuống. Thằng Lâm thét to nhưng không có giọt nước mắt nào. Về mẹ nói ba từ nay sẽ không mách ba thằng Lâm nữa vì ổng đánh nó dữ quá.

    Hôm sau, gặp thằng Lâm, mình sờ nó chỗ nào cũng sưng húp mềm như trái chuối chín. Vậy mà nó vẫn cười. Mẹ mình lấy dầu bôi cho nó xong nó chạy biến đi, lúc sau về ngoắc ngoắc mình ra đưa cho mình chùm mận nó ăn cắp nhà bà Sáu. Mình chia nó phần hơn vì nó bị đánh đau. Nó cười hì hì bảo ba nó uýnh hoài. Mình hỏi đau không đau không, nó nói quen rồi quen rồi.

    Ba thằng Lâm không làm gì, chỉ nhậu. Ổng hổng ăn cơm, chỉ uống rượu, mồi là trái cóc, trái ổi hay miếng cá khô nhỏ xíu, chỉ cầm lên mút mút rồi bỏ xuống mà hết lít này tới lít kia. Thằng Lâm hay bị ba nó sai đi mua rượu thiếu. Người ta không bán thì thằng Lâm về nhà sẽ bị ăn đòn. Biết vậy nên người ta buộc phải đong rượu cho nó đem về, vừa đong vừa chửi, thằng Lâm lại hì hì, hì hì. Có bữa, nó mua nửa lít rồi lấy nước mưa chế vô cho đầy. Ba nó thường say, hổng biết gì.

    Má thằng Lâm cũng hay bị ba thằng Lâm đánh. Ổng túm tóc má nó, quấn vô cánh tay để bà không chạy được rồi thụi tay đá chân vô người bà bình bịch. Thằng Lâm lúc nào cũng nhào vô đỡ đòn cho má nó. Mẹ mình lúc nào nghe nó và mẹ nó hét thì cũng chạy qua can và đưa má nó về bên nhà mình bôi dầu. Mặt má thằng Lâm luôn luôn bị bầm, sưng không chỗ này thì chỗ kia, quanh năm.

    Con Thu, chị Nết và má cũng hay bị đánh. Ba con Thu là bạn nhậu của ba thằng Lâm. Nhà con Thu xa hơn nên mình ít chứng kiến hơn. Con Thu lúc nào mặt cũng buồn buồn, mắt ầng ậc nước. Nó nhỏ nên ít bị đánh hơn má và chị nó. Có lần, không biết chuyện gì, ba nó đánh chị Nết dữ lắm. Chị chịu hổng nổi nên chạy qua nhà hàng xóm trốn. Ổng qua nhà hàng xóm chửi rủa, chị Nết thấy vậy lại chui ra. Ổng túm mớ tóc dài của chị, lôi xềnh xệch kéo lê chị Nết trên mặt đường về nhà uýnh tiếp.

    Thằng Đức rún lòi, con Hà, anh Tư, anh Lắm,..những đứa trẻ lớn nhỏ trong xóm đều ăn đòn như cơm bữa. Hầu hết các ông chồng trong xóm đều đánh chửi vợ, trừ ba mình. Những cặp vợ chồng trẻ cũng vậy, các chị hay bị đánh. Mỗi khi bị đánh họ hay chạy qua nhà mình trốn vì trốn ở nhà mình thì không bị chồng qua kiếm chuyện chửi rủa. Họ nể ba mẹ mình một bậc.

    Tuổi thơ mình chứng kiến quá nhiều cảnh bạo lực dã man. Giờ mình ít sợ cảnh bạo lực là vì vậy. Nhìn thấy máu me, đánh đập hành hạ mình thấy phẫn nộ vì lý trí mình biết đó là điều không được phép chứ mình không phẫn nộ vì thương tâm nữa. Khi lớn, khả năng chịu đau của mình cũng rất cao, phải đập mình cho ra bả mình mới kêu chứ vài cú đấm đá thì mình không hé răng rên một tiếng nào.

    Lớp một đi học, mình viết tay trái, ngày nào cũng bị bà cô bắt cầm qua tay phải, mỏi quá mình lại chuyển qua tay trái thì bả quất cây thước bảng vào tay, ngày nào như ngày nấy, mình cắn môi gồng lên chịu chứ không khóc. Có lần, chắc nghĩ mình lỳ quá, phải trừng trị thích đáng, nên bà bắt mình chụm năm đầu ngón tay trái lại, vụt thước vào. Mình á một tiếng duy nhất rồi lịm người.

    Về nhà mình không mách ai. Năm đầu ngón tay sưng vù, tụ máu bầm đen, mình sợ quá nên đòi nghỉ học. Anh Tư phát hiện, chở mình lên trường, gặp cô anh chẳng nói chẳng rằng đấm vô cánh cửa lớp một cái làm vỡ bung nó ra. Mình chết khiếp, từ đó tự động chuyển qua viết tay phải luôn.

    Sau này mình mới được mẹ kể cho nghe, tuổi thơ mẹ cũng là một chuỗi những ngày bị hành hạ, đánh đập tàn nhẫn.

    Thằng Lâm chết rồi. Tai nạn. Con Hà, thằng Đức lấy nhau, đánh chửi nhau, đánh chửi con thường xuyên. Thằng Tuấn thì bị vợ chửi đánh đến phải ly dị. Anh Tư tục là anh họ mình và chị Giàu cũng đánh chửi nhau cách nhật… Những đứa trẻ ngày ấy bây giờ đều giống ba mẹ chúng ngày xưa.

    Có lần, mình còn chứng kiến cảnh một thằng chồng cờ bạc, về vòi tiền vợ, vợ không có tiền đưa, nó đóng cửa vô đánh, lột trần truồng vợ ra đánh và dùng kềm kẹp đứt gần lìa đầu vú cô ấy. Mình đạp cửa xông vào được thì cô ấy đã ngất. Mình đã không lo đưa cô đi cấp cứu mà xông vào thằng chồng đấm đá bằng tất cả sức lực và những miếng mà mình học được một cách tàn bạo nhứt. Người ta không can thì mình đã không ngừng lại được.

    Sau này, ở HN, mình cũng vài lần đấm người, toàn đàn ông. Đi đường va quẹt xe, bị chúng xông vào chửi, đòi đánh, chúng chưa kịp đánh mình thì mình đã đấm trước. Đấm thẳng tay, không nói một lời, rồi bỏ đi. Đi đường, ngã tư, đèn đỏ, xe sau nó bóp còi toe toe là con quỷ trong người mình chỉ muốn nhảy xổ ra tống vào mặt thằng bóp còi một đấm.

    Chỉ mãi khoảng bảy, sáu năm trở lại đây khi mình đọc được về những tổn thương, di chứng và vòng lặp bệnh lý thì mình mới hiểu và học cách kiểm soát sự nóng giận, tính bạo lực trong mình. Mình đọc nhiều hơn, nghiên cứu và hay viết về điều này là bởi mình muốn những bạn có tuổi thơ bị đánh đập cùng hiểu để tránh cho chính gia đình, con cái họ và cho xã hội.

    Những trường hợp thầy cô đánh đập hành hạ trẻ mầm non, học sinh, học sinh đánh đập hội đồng bạn bè, bạo lực xã hội…đều là vòng lặp bệnh lý. Hãy thử điều tra và thống kê mà xem, hoàn toàn không chạy khỏi: họ là những kẻ có tuổi thơ, cuộc sống bị tổn thương. Mình không bênh vực cho họ, nhưng mình hiểu nguyên nhân, bản chất vấn đề. Chửi rủa, phán xét, bỏ tù thậm chí giết chết những cá nhân ấy thì xã hội vẫn sẽ xuất hiện những trường hợp mới, tương tự, ngày càng nhiều và trầm trọng hơn.

    Điều chúng ta cần làm là thay đổi triết lý giáo dục, thay đổi tư duy để tránh cái vòng lặp bệnh lý đó đi. Mình không có quyền hành để thay đổi nền giáo dục, nên hiện tại mình chỉ có thể viết, như một cách truyền đi thông điệp: THAY ĐỔI TƯ DUY HOẶC CHẾT TRONG BẠO LỰC VÀO MỘT NGÀY KHÔNG XA.

    Tg: Nguyễn Thị Bích Ngà

    Form điền thông tin liên hệ

    BÌNH LUẬN

    Please enter your comment!
    Please enter your name here