Trang chủ Blog Những tổn thương bố mẹ thường vô tình gây ra cho con...

    Những tổn thương bố mẹ thường vô tình gây ra cho con P2

    377
    0
    Những tổn thương bố mẹ thường vô tình gây ra cho con

    NHỮNG TỔN THƯƠNG BỐ MẸ THƯỜNG VÔ TÌNH GÂY RA CHO CON

    Bài 2: Đổ lỗi cho nạn nhân.

    Trong bài một, tôi đã cố gắng trình bày những tổn thương, di chứng có thể hình thành nên tính cách của trẻ do bố mẹ gây ra thông qua hành vi đổ thừa. Trong bài hai này, tôi bàn đến một hành vi có liên quan đến đổ thừa nhưng tệ hơn: đổ lỗi cho nạn nhân.

    Như thế nào là đổ lỗi cho nạn nhân? Là một người dùng thiên kiến, nhận thức muộn, quy kết…để kết tội, buộc nạn nhân phải chịu trách nhiệm cho những tổn thương mà nạn nhân phải chịu đựng.

    Chúng ta dễ dàng nhìn thấy hiện tượng sau:

    -Khi ta thấy A thất bại trong việc kinh doanh, ta sẽ rất dễ dàng suy nghĩ phán xét do A bất tài, vô dụng, không siêng năng, thiếu tỉnh táo…nghĩa là mọi lỗi đều do cá nhân A mà ra, nên A mới thua lỗ.
    -Khi ta thất bại trong kinh doanh, ta sẽ nghĩ và nói với người khác rằng do xã hội, do thời cuộc, do thuế phí, do nhân viên…nghĩa là mọi lỗi đều do ngoại cảnh tác động, ta vô can và ta là nạn nhân.

    Tại sao với A ta không xét đến yếu tố ngoại cảnh mà ta chỉ chăm chăm xét đến yếu tố cá nhân A, còn ta thì ta đổ thừa hết cho ngoại cảnh mà không xét đến yếu tố cá nhân?

    Thử đặt một số ví dụ khác vào ta cũng sẽ hành xử như vậy và đó là cách hành xử thiên kiến, rất không công bằng, nhưng ta lại nhân danh sự công bằng, tin và đòi hỏi sự công bằng tuyệt đối trong khi cuộc sống không có sự công bằng tuyệt đối.

    Cũng bởi tin vào sự công bằng tuyệt đối nên ta đổ lỗi cho nạn nhân: nó phải làm sao thì nó mới bị như thế! Bởi nếu không tin vào sự công bằng tuyệt đối thì ta sẽ phải lo sợ bản thân và gia đình sẽ gặp thảm họa, tổn thương vào một lúc nào đó bất kỳ mà chẳng có lý do gì. Ta không dám tin có nguy cơ đó xảy ra nên ta buộc phải nghĩ có sự giải thích cho những điều không công bằng mà ta nhìn thấy.

    Một cô gái bị hiếp dâm, ta sẽ nhìn vào trang phục cô mặc, tính cách của cô và đổ lỗi cho cô về cái váy cô mặc ngắn quá. Nếu cô gái không ăn mặc hở hang, không ăn chơi, ta không thể dùng sự công bằng tuyệt đối để đổ lỗi thì ta cũng dùng nhận thức muộn để cố tìm ra cách đổ lỗi: tại sao lại đi ra ngoài vào giờ đó, đoạn đường vắng đó để cho bị hiếp. Nghĩa là ta cố cho rằng việc cô bị hiếp là hậu quả của hành động của chính cô, cô phải chịu trách nhiệm cho điều đó, như thế mới thỏa mãn được niềm tin có sự công bằng tuyệt đối trong lòng ta.

    Tất cả mọi nạn nhân trong mọi trường hợp đều phải có lỗi và đều phải bị chửi bới là điều mà ta thường thấy trong các bình phẩm sự việc của người Việt. Nghe ông hàng xóm bị ung thư, ta xuýt xoa tội nghiệp thì cũng kèm theo câu, “Tại uống rượu hút thuốc cho lắm vào, nếu biết dừng sớm thì đâu có bệnh.” Khi một người không uống rượu hút thuốc vẫn bị ung thư thì ta lại bảo hẳn là do ăn ở ác nên mới bị ung thư!

    Với xã hội ta đối xử với người như thế, trong gia đình ta cũng một lối hành xử với người thân, con trẻ như vậy. Ta luôn đổ lỗi cho họ khi họ là nạn nhân của một điều gì đó dù lớn hay nhỏ.

    Con trẻ chạy ngã chảy máu, điều đầu tiên ta nói không phải là, “đau không con, đứng dậy đi, mẹ sẽ giúp con rửa vết thương.” Ta luôn quát, “Tại sao mẹ đã bảo không được chạy mà vẫn chạy để cho bị ngã?” Ta bỏ qua yếu tố khách quan: một đứa trẻ không thể không chạy nhảy, trừ khi nó bị bệnh. Và rồi khi nó bệnh, nó không thể chạy nhảy ta có tha cho nó không? Không. Ta mong nó chạy nhảy để biết nó khỏe nhưng mồm ta vẫn cứ đổ lỗi cho nó vì nó thế này thế kia nên nó mới bị bệnh.

    Ta thấy việc bố mẹ đổ thừa làm cho con không biết tự chịu trách nhiệm, còn việc bố mẹ đổ lỗi cho nạn nhân gây ra hậu quả gì? Làm trẻ mất niềm tin.

    Một đứa trẻ luôn bị quát mắng, không được cảm thông ngay cả khi bị đau, luôn bị đổ lỗi thì sẽ không còn tin tưởng vào bố mẹ, gia đình nữa. Nó sẽ không nói với bố mẹ về những gì nó đang phải chịu đựng, nếu giấu được nó sẽ giấu.

    Trẻ đi học bị thầy cô đánh về nhà mách mẹ thì bố mẹ vì sợ mích lòng cô giáo, vì tin vào người lớn là cô giáo hơn tin vào đứa trẻ nên thường không can thiệp với cô mà lại quay sang đứa trẻ, “Mày làm gì sai thì cô mới đánh?” Ta ủng hộ cho điều sai trái bằng cách đổ lỗi cho nạn nhân. Ta không coi việc con bị đánh là một điều tuyệt đối không được phép nên ta phải tìm ra các lý do để làm cho việc đánh đập trẻ kia trở nên hợp lý, công bằng.

    Trẻ bị bạn bè bắt nạt, ta không can thiệp bằng cách liên hệ với các phụ huynh khác để tìm biện pháp giáo dục các con, ta sẽ trách con mình không dám phản kháng, không dũng cảm, không biết chọn bạn mà chơi…

    Các bé bị lạm dụng tình dục, không dám mách bố mẹ, không dám nói với ai vì nói ra nó sợ rằng bố mẹ sẽ đánh mắng nó vì trước đó đầy lần bố mẹ đã đánh mắng vì những lần nó té ngã, điểm kém hoặc chẳng vì gì cả. Nó nghĩ đấy là lỗi của nó và lỗi thì phải giấu đi. Nó không tin rằng bố mẹ có thể hiểu và chia sẻ, tin vào lời nó nói. Khi tình cờ con trẻ buột mồm nói ra, ta có ôm đứa trẻ đang bị khủng hoảng ấy vào lòng và yêu thương nó không hay ta lại tiếp tục đổ lỗi cho nó, “Tại sao mày không chạy?” “Tại sao mày để thằng đó chạm vào người?” “Tại sao mày không nói?”

    Con trẻ nhìn thấy ta luôn đổ lỗi cho nạn nhân, con trẻ luôn bị đổ lỗi thì làm sao nó biết đến sự cảm thông, làm sao nó có niềm tin vào sự yêu thương, bảo vệ của ba mẹ và của con người? Khi trưởng thành, nó sẽ không cảm thông cho ai cả, nó cũng chẳng thể coi mái nhà là tổ ấm để quay về mỗi khi va vấp. Mối dây liên hệ gia đình chỉ là trách nhiệm của huyết thống chứ không hề là tình yêu. Cái tổ ấm mà nhiều gia đình Việt tự hào thực ra chỉ là sự tưởng tượng cố ép.

    Một người không biết tự chịu trách nhiệm, luôn đổ thừa cho hoàn cảnh, luôn đổ lỗi cho nạn nhân thì hình thành nên tính ích kỷ, thiếu vắng sự hiểu biết và cảm thông, không thể yêu ai ngoài chính mình, thực ra là cũng chẳng biết cách yêu bản thân một cách đúng nghĩa.

    Những điều này tôi đã viết đi viết lại nhiều lần, đã nói chuyện với rất nhiều người vì muốn họ nhận ra vấn đề và thay đổi. Thế nhưng rất ít người chịu thừa nhận mình đã mắc lỗi trong tư duy, họ cứ cố chấp duy trì và gây tổn thương cho gia đình, cho những người mà họ bảo rằng họ yêu thương nhất. Họ nhân danh tình yêu thương, sự quan tâm để duy trì việc đổ lỗi, “vì muốn tốt cho nó!” mà không hề hiểu rằng điều đó chẳng tốt tí nào cho nạn nhân cả, chỉ gây tổn thương và chồng chất tổn thương.

    Sửa lỗi tư duy là một điều khó nhưng là việc đúng phải làm cho chính bản thân, gia đình và xã hội. Hãy cố gắng bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, hôm nay.

    Tg: Nguyễn Thị Bích Ngà

    Bài tiếp theo Bài 3: Yêu thương có điều kiện.

    Form điền thông tin liên hệ

    BÌNH LUẬN

    Please enter your comment!
    Please enter your name here